Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo ước tính nhanh của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 8/2022 tính theo năm đã tăng lên mức cao kỷ lục 9,1%, điều này khiến cho nhiều chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.
Lạm phát hàng tháng ở mức 0,5% khiến tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng 20 điểm cơ bản trong tháng 8 từ mức 8,9% trong tháng 7. Lạm phát giá năng lượng đã tương đối ổn định trong toàn khối, giảm từ 39,6% trong tháng trước xuống 38,3% trong tháng 8, nhưng lạm phát ở các ngành hàng khác tiếp tục tăng. Lạm phát hàng năm đối với các sản phẩm thực phẩm, rượu và thuốc lá ở mức 10,6% vào tháng 8, so với 9,8% trong tháng 7, trong khi lạm phát hàng hóa phi công nghiệp tăng từ 4,5% lên 5% và lạm phát trong dịch vụ tăng từ 3,7% lên 3,8%. Nếu không tính đến giá năng lượng, lạm phát đo được là khoảng 5,8%.
Ireland có tỷ lệ lạm phát thấp thứ sáu trong số 19 quốc gia khu vực đồng euro, các quốc gia có mức tăng lạm phát ở mức trung bình trong khu vực là Estonia (25,2%), Lithuania (21,1%) và Latvia (20,8%). Các quốc gia có lạm phát đạt hai con số trong tháng này là Bỉ (10,5%), Hy Lạp (11,1%), Tây Ban Nha (10,3%), Hà Lan (13,6%), Slovenia (11,5%) và Slovakia (13,3%). Trong tất cả các nước khu vực đồng euro, các quốc gia có lạm phát thấp hơn mức trung bình khu vực là Pháp (6,5%), Đức (8,8%), Luxembourg (8,6%), Malta (7,1%) và Phần Lan (7,6%).
Tại EU, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn còn do các nhà bán lẻ và nhà sản xuất giữ container tại các cảng và nhà kho, trong bối cảnh tốc độ giải phóng hàng tồn kho thấp vì người tiêu dùng EU bắt đầu thắt chặt chi tiêu. Việc đóng cửa cảng ở Trung Quốc do chính sách “ZeroCovid” cũng như hậu quả từ xung đột ở Ukraine cũng gây ra căng thẳng trong các khâu quan trọng của mạng lưới logistics khắp châu Âu. Tình hình các cảng biển tại EU vẫn là tâm điểm chú ý của ngành vận tải biển, hầu hết các cảng lớn của châu Âu ở Hà Lan, Đức, Pháp và Bỉ vẫn bị tắc nghẽn nghiêm trọng do nhiều yếu tố bao gồm đình công, thiếu tài xế xe tải, v.v. Liên đoàn quốc tế các hiệp hội giao nhận, vận tải (FIATA), cùng với các tổ chức kinh doanh châu Âu và quốc tế đang thúc giục Ủy ban châu Âu bắt đầu xem xét ngay lập tức các quy định cạnh tranh đối với vận chuyển container.
Sức nóng từ những đợt sóng nhiệt bất thường tại châu Âu đã lan đến nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đẩy người nông dân khu vực này vào tình cảnh bế tắc. Bài toán an ninh lương thực, vốn đã bấp bênh, khó lường do tình hình xung đột và dịch bệnh, nay lại thêm phần nan giải. Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất tại “lục địa già” trong vòng 500 năm. Hạn hán khiến nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa và gây ra hàng loạt hệ lụy như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Pháp, gây cháy rừng ở Anh, Tây Ban Nha... Đài quan sát hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU) ước tính, 17% diện tích châu Âu hiện đang thuộc danh mục hạn hán báo động đỏ, cao hơn mức 11% được đưa ra hồi tháng 7/2022. Mặc dù lượng mưa ở mức bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong những tháng tới nhưng không đủ để phục hồi hoàn toàn lượng nước đã thất thoát trong suốt nửa năm nay. Tại Italia, thời tiết cực đoan có khả năng làm giảm ít nhất 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp của nước này. Các chủ trang trại trồng nho và ô-liu ở vùng Tuscany thuộc miền trung Italia dự báo, sản lượng nho năm nay sẽ giảm 20%, còn quả ô-liu sẽ nhỏ hơn và có vị đắng hơn. Các khu vực khác của châu Âu cũng chia sẻ nỗi lo chung về thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp Hungary cũng cho biết, tổn thất về nông nghiệp của nước này từ đầu năm 2022 đến nay đã lớn gấp đôi tổng thiệt hại của 10 năm trước đó cộng lại. Để thích nghi với tình hình thời tiết cực đoan, một số nông dân của quốc gia Trung Âu này chuyển sang trồng các loại cây nhiệt đới như chuối và kiwi. Còn ở Slovenia, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu có thể bị mất mùa hoàn toàn trong năm nay.
Nắng nóng và hạn hán không chỉ khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại mà còn đẩy nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vào cảnh khó khăn. Nhiệt độ tăng cao khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại, mặt đường bị nứt, đường ray biến dạng làm giao thông ở một số quốc gia như Anh, Hà Lan, Italia... ngưng trệ. Tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò quan trọng cho hoạt động sản xuất thủy điện. Thực trạng này đe dọa làm tăng giá điện của châu Âu, vốn đã ở mức cao kỷ lục. Hàng loạt biện pháp, trong đó có hạn chế tiêu thụ nước, được các quốc gia áp dụng để đối phó tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nhưng đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 2,9 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 637,2 triệu USD, tăng 24,2% về xuất khẩu và 11,6% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 59,6%), cao su (giảm 22,6%), chè (giảm 51,0%), gạo (tăng 86,5%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 0,4%), hàng rau quả (tăng 10,4%), hàng thủy sản (tăng 37,8%), hạt điều (giảm 15,7%), hạt tiêu (tăng 20,9%), mây, tre, cói và thảm (tăng 3,2%), và sản phẩm từ cao su (giảm 31,7%).
Báo cáo chi tiết xem TẠI ĐÂY.