Nguồn: toquoc.vn
Trong bài viết này, trang Vietnam Briefing xem xét các cơ hội đầu tư vào ngành sữa Việt Nam dành cho các công ty nước ngoài cũng như những trở ngại đang gặp phải ở bối cảnh hiện tại.
Dân số tăng mạnh cùng với sự giàu có ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cho thấy nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước bùng nổ. Trên thực tế, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng khoảng 40%, từ 28 lít vào năm 2021 lên 40 lít mỗi năm vào năm 2030, theo Research and Markets.
Tuy nhiên, sản lượng sữa trong nước tại Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), năm 2021, Việt Nam sản xuất khoảng 1.097 tấn sữa trong nước nhưng phải nhập khẩu hơn 3.705 tấn. Sự tương phản rõ rệt giữa cung và cầu sẽ làm nổi bật nhu cầu tăng sản lượng sữa và tầm quan trọng ngày càng tăng của việc nhập khẩu sữa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực quảng bá sữa như một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng. Chẳng hạn như vào năm 2016, chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sữa học đường nhằm cung cấp sữa hàng ngày cho trẻ em ở các trường mẫu giáo và tiểu học.
Ngoài ra còn có "Quỹ Sữa Vươn cao Việt Nam" do Vinamilk quản lý. Kể từ năm 2007, chương trình này đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tiêu thụ sữa khi tặng hơn 42 triệu hộp sữa cho hơn 500.000 trẻ em trên cả nước. Nỗ lực chung này phản ánh mong muốn rộng lớn hơn nhằm đảm bảo trẻ em có đủ nguồn sữa.
Ngoài sữa nước, sở thích của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm sữa khác cũng đang thay đổi theo thời gian. Ảnh hưởng ngày càng tăng của ẩm thực phương Tây, với các món ăn như bánh mì kẹp thịt, pizza và burritos đang ngày càng thu hút và góp phần làm tăng nhu cầu về pho mát, bơ và sữa chua.
Với suy nghĩ này, nhiều nhà đầu tư mong muốn khám phá cơ hội tham gia vào ngành sữa Việt Nam. Vậy làm thế nào để các nhà đầu tư có thể thâm nhập thị trường sữa Việt Nam một cách hiệu quả nhất?
Cơ hội đầu tư
Một cách tiếp cận nhanh nhất là đầu tư vào các công ty chế biến sữa đã có mặt trên thị trường. Các công ty này thường tham gia sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa trong một thời gian dài và điều này mang lại kiến thức thị trường có giá trị. Đầu tư vào các công ty này có thể giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và công sức mà lẽ ra phải dành cho việc nghiên cứu thị trường sâu rộng và phát triển các chiến lược thâm nhập thị trường.
Một ví dụ về phương pháp đầu tư này có thể được thấy trong trường hợp của Growtheum Capital Partners -quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore. Công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 100 triệu USD để mua 15% cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế Việt Nam (IDP).
"IDP là cơ hội duy nhất để chúng tôi tham gia vào câu chuyện tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam," Trang Tran, giám đốc điều hành tại Growtheum Capital, nói với Bloomberg hồi tháng Tư.
Một công ty nước ngoài khác đã nhận ra tiềm năng của thị trường Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Sữa Morinaga, nhà sản xuất sữa hàng đầu đến từ Nhật Bản. Tập đoàn đã thực hiện các bước để mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, bắt đầu bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của Elovi Việt Nam vào năm 2021.
Ngoài ra, vào tháng 5/2023, Công ty Cổ phần Công nghiệp sữa Morinaga đã chi 106 tỷ đồng (khoảng 4,5 triệu USD) để mua 51% cổ phần liên doanh với Công ty Cổ phần Morinaga Lê Mây Việt Nam, một nhà sản xuất sữa trong nước.
Đầu tư vào trang trại bò sữa là một lựa chọn khác cho các nhà đầu tư sữa. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chăn nuôi bò sữa hiệu quả thường đòi hỏi chuyên môn về chăn nuôi trong khi nông dân Việt Nam lại ưa chuộng chăn nuôi tự phát.
Một điều tuyệt vời mà một số công ty sữa nội địa ở Việt Nam đã tìm cách giải quyết tình trạng này là mở thêm các trang trại ở nước ngoài. Chẳng hạn như VitaDairy đã đầu tư vào một trang trại trị giá 10 triệu USD với 1.000 con bò được nuôi ở Tasmania, Australia.
Trong khi đó, Vinamilk, một công ty sữa nổi tiếng ở Việt Nam đã đầu tư thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn ở Xieng Khouang, Lào.
Nếu hệ thống trang trại bò sữa phát triển thì được xem là cách rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp sữa ổn định. Vì vậy, điều cần thiết là phải có trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế và tận dụng chuyên môn, công nghệ chăn nuôi để tối đa hóa năng suất chăn nuôi. Và điều này sẽ đòi hỏi kỹ năng và đầu tư vào hai lĩnh vực mà các công ty nước ngoài có thể hỗ trợ và thu lợi nhuận.
Các sản phẩm sữa khác
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội tìm hiểu đầu tư vào các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm sữa khác nhau ngoài sữa truyền thống. Bằng cách tận dụng nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng, các công ty có thể khai thác các thị trường ngách trong ngành sữa.
Câu chuyện thành công đáng chú ý trong lĩnh vực này là thương hiệu phô mai Con Bò Cười, thuộc sở hữu của Tập đoàn Bel đến từ Pháp. Năm 2015, Bel Group đầu tư khoảng 17 triệu USD để thành lập nhà máy tại Việt Nam. Động thái chiến lược này đã tăng sản lượng sản xuất đặc biệt cho thị trường Đông Nam Á và mang lại lợi nhuận rất cao.
Tương tự, thời gian gần đây, Orion Food Vina (OFV), công ty con của Orion Korea, đã hợp tác với Dutch Mill, một công ty sữa nổi tiếng với 70% thị phần tại Thái Lan. Mục tiêu của sự hợp tác này là giới thiệu sản phẩm mới tới thị trường Việt Nam. Kết quả, hai dòng sản phẩm mới đã được ra mắt: Choco IQ, sự kết hợp giữa sữa lúa mạch và bột lúa mạch, và ProYo, một loại sữa chua uống, cả hai đều cho thấy những tiềm năng hứa hẹn đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Để tăng năng suất và nâng cao hiệu quả trong ngành sữa, việc tích hợp công nghệ trở nên quan trọng. Theo trang báo, các nhà đầu tư có thể khám phá các cơ hội về công nghệ như hệ thống vắt sữa tự động, hệ thống cho ăn, thiết bị lưu trữ và các giải pháp cải tiến khác. Việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến không chỉ giải quyết những thách thức mà còn mang lại lợi nhuận cao cho các công ty thiết bị nông nghiệp nước ngoài./.