Nguồn: bnews.vn
Việc lạm phát và chi phí tăng đang gây áp lực trong chi tiêu của người tiêu dùng trong nước và ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Thị trường sữa Việt Nam chủ yếu do các "đại gia" như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM), Nestle Việt Nam, Nutifood, Frieslandcampina và Tập đoàn TH thống lĩnh. Trong số các doanh nghiệp hàng đầu này, chỉ có Vinamik niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Thực tế, những tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý I và đầu quý II/2023, giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh đã khiến các doanh nghiệp trong nước “lao đao”, phải thực hiện tăng giá và tìm cách cân đối chi phí.
Theo Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sữa tại châu Âu đã 2 lần lập đỉnh mới lên mức 5.100 euro/tấn và tại khu vực Nam Mỹ là 4.300 USD/tấn.
Trước sức ép của giá nguyên liệu đầu vào, nhiều thương hiệu sữa trong nước đã thay đổi giá mới. Sữa chua, sữa nước và sữa bột nội địa cũng như nhập khẩu đều được điều chỉnh tăng giá từ 5 đến 10% trong các tháng đầu năm.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, giá bột sữa sẽ hạ nhiệt trong nửa sau năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ của thị trường sữa trên toàn cầu đang yếu đi trong ngắn hạn.
Do vậy, đây sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất sữa ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong năm 2023 khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu bắt đầu giảm bớt.
Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành sữa đang có sự phục hồi từ quý II.
“Đại gia” ngành sữa Vinamilk công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý II với doanh thu 15.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.220 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,6% và 5,6% so với thực hiện năm trước, đồng thời cao hơn 16,5% so với quý liền kề. Như vậy, Vinamilk đã ngắt chuỗi giảm lợi nhuận 5 quý liền.
Dù vậy, Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam cho rằng, Vinamilk đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm từ sữa, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột.
Thực tế, dù vẫn còn những khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sữa đang cho thấy sự phục hồi.
Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã chứng khoán: IDP) công bố lợi nhuận sau thuế quý II đạt 234,11 tỷ đồng, tăng 8,45% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy sự phục hồi về lợi nhuận của doanh nghiệp. Trước đó, trong quý đầu năm, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 27%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái còn 218 tỷ đồng.
Lường trước những thách thức, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế cũng đặt kế hoạch khá thận trọng trong năm nay. Cụ thể năm 2023, Sữa Quốc tế lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.141 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 776 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và giảm 4% so với kết quả năm 2022.
Với Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (mã chứng khoán: MCM), trong quý II, doanh thu thuần của công ty giảm 5,84% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn giảm 3,87%.
Kết quả là lợi nhuận gộp của công ty giảm 9,87% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11,74% và chi phí bán hàng giảm 8,02% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng 31,61% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí lãi vay giảm 100% so với cùng kỳ.
Do đó, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của công ty đạt 92,57 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến nửa đầu năm, doanh thu của công ty đạt 1.524,57 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế đạt 194,06 tỷ đồng, tăng 10,72% so với cùng kỳ.
Công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào tài sản cố định trong nửa đầu năm, với nguyên giá tài sản cố định đạt 1.042,9 tỷ đồng vào cuối quý II/2023.
Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (mã cổ phiếu: HNM) công bố trong quý II/2023 có doanh thu thuần hơn 168 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đạt 31 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý II/2022. Sữa Hà Nội báo lãi ròng đạt 14,8 tỷ đồng trong quý II, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp sữa này ghi nhận lãi ròng 25 tỷ đồng, tăng 53% so với nửa đầu năm 2022.
Như vậy có thể thấy rằng, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp ngành sữa đều có sự tăng trưởng. Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán DSC cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào giảm là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành sữa trong 2023-2024.
Theo Chứng khoán DSC, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, lượng tiêu thụ sữa tươi của Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2023. Do thiếu nguồn tiêu thụ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt buộc phải chuyển đổi sữa tươi thành sữa bột. Vào tháng 2, khi tình trạng dư cung trầm trọng nhất, mỗi ngày Trung Quốc chế biến khoảng 10.000 tấn sữa tươi thành sữa bột. Hiện tại, con số trung bình đã trở về mức 4.000 - 5.000 tấn/ngày.
Hàng năm, Trung Quốc phải nhập khẩu một lượng sữa bột đáng kể (năm 2022 Trung Quốc nhập 700 nghìn tấn sữa bột). Tuy nhiên, với tình trạng dư cung sữa bột năm 2023, Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng nhập khẩu. Từ đó, giá sữa bột giảm về mốc thấp kỷ lục.
Thực tế, kết phiên 30/8/2023, giá sữa bột tách béo đạt 2.333 USD/tấn, giá sữa bột nguyên kem đạt 2.548 USD/tấn, thấp nhất trong 5 năm trở lại, Chứng khoán DSC cho biết.
Ngoài giá sữa bột, giá thức ăn chăn nuôi, cụ thể hơn là ngô cũng đã cho thấy xu hướng giảm.
Kết thúc phiên 30/8/2023, giá ngô đạt xấp xỉ 6.300 VND/kg, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại. Với việc chi phí đầu vào giảm mạnh, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa dự phóng sẽ tăng đáng kể trong vòng 1 năm tới.
Theo DSC, năm 2023, quy mô ngành sữa Việt Nam đã đạt mức 5 tỷ USD và còn nhiều động lực tăng trưởng.
Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 27 lít/người/năm, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Đặc biệt với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thì ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt là các mảng sản phẩm sữa thay thế như sữa chua, sữa ngũ cốc, sữa trái cây và sữa dành cho người lớn tuổi.
Theo nhiều dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hàng năm.
Mặc dù có nhiều dư địa phát triển, nhưng hiện tại ngành sữa vẫn chưa hết thách thức. Thực tế, sữa được coi là thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên với thu nhập giảm do lạm phát và kinh tế suy giảm, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm về giá hàng hóa hơn. Lạm phát và chi phí tăng cao cũng đang làm tăng áp lực trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Chứng khoán DSC cho rằng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các doanh nghiệp đang muốn mở rộng thị phần sang nước ngoài.
Theo Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, năm 2023, dù tự tin với các kế hoạch thay đổi thúc đẩy quá trình chuyển đổi, môi trường kinh doanh rõ ràng vẫn còn nhiều thử thách.
Không như trước đây, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia và thương mại quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế trong một nền kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở những nơi khác. Điều đó có thể có tác động đến người tiêu dùng và các đối tác của Vinamilk./.