Nguồn: markettimes.vn
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 12 đạt 13.723 tấn với trị giá thu về hơn 23,3 triệu USD, tăng 11,3% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so với tháng trước đó. Cả năm 2023, Việt Nam đã thu về hơn 208,2 triệu USD với 119.794 tấn chè, giảm 18% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.738 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên mức giá này mới chỉ bằng chưa tới 70% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.
Trong năm 2023, xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga đều giảm, bởi kinh tế các nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu ngoại tệ của Pakistan khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, trong cả năm 2023, Pakistan nhập từ Việt Nam 41.564 tấn chè với trị giá hơn 80,3 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 22% về trị giá. Giá xuất khẩu đạt 1.933 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 2 của chè Việt Nam. Trong 12 tháng, nước ta xuất sang thị trường này 14.489 tấn chè và thu về hơn 24,2 triệu USD, giảm 24,6% về lượng và giảm 32,6% về kim ngạch. Giá xuất khẩu đạt 1.671 USD/tấn, giảm 10,7%.
Xếp thứ 3 là thị trường Nga, quốc gia này nhập khẩu 6.294 tấn chè từ Việt Nam trong cả năm 2023, tương đương hơn 10,5 triệu USD, giảm hơn 36% cả lượng và giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.680 USD/tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo ghi nhận xu hướng giảm thì khu vực châu Âu lại xuất hiện nhiều thị trường tăng thu mua, trong đó có Ba Lan.
Cụ thể, xuất khẩu chè sang Ba Lan trong tháng 12/2023 tăng đột biến 206,4% về lượng và tăng 150,5% về kim ngạch, đây cũng là tháng có sản lượng cao nhất từ đầu năm. Cả năm 2023, nước ta xuất khẩu 320 tấn chè, thu về 613.353 USD từ Ba Lan, tăng 84% về lượng và tăng 52% về giá trị.
Theo nguồn CBI.EU, Ba Lan có tỷ lệ tiêu thụ chè bình quân đầu người cao nhất ở Châu Âu (1kg/người/năm). Chè đen và chè xanh là chủng loại chè tiêu thụ chính tại Ba Lan. Ngoài tiêu thụ chè, Ba Lan còn là thị trường cung cấp chè chính cho các thị trường trong nội khối EU 27, vì vậy có nhu cầu nhập khẩu chè để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Do đó, Ba Lan là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng chè của Việt Nam.
Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 120 nghìn ha diện tích trồng chè. Cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm.
Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước, tiếp đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn phải kể đến Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng,…
Hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, dù nhu cầu thị trường yếu thì ngành chè của Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị phần.