Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chè Việt được các đại gia dầu mỏ mê không lối thoát dù giá đắt đỏ: xuất khẩu tăng hơn 100%, nhiều cường quốc tích cực săn đón
18 | 12 | 2023
Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng và thứ 7 trong bảng xếp hạng về sản lượng trên toàn thế giới.

Nguồn: markettimes.vn

Thức uống đậm bản sắc Việt được các đại gia dầu mỏ mê không lối thoát dù giá đắt đỏ: xuất khẩu tăng hơn 100%, nhiều cường quốc tích cực săn đón

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 11 đạt 12.330 tấn, đạt 22,2 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với tháng trước đó. Giá xuất khẩu trong tháng đạt 1799 USD/tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu chè của cả nước đạt thu về hơn 184,8 triệu USD, tương đương 106.323 tấn chè các loại, giảm 20,8% về lượng và giảm 14,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân trong 11 tháng đầu năm đạt 1.739 USD/tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về thị trường, Pakistan vẫn là quốc gia nhập khẩu chè Việt Nam lớn nhất với tỷ trọng 35,2% về sản lượng và gần 40% về kim ngạch. Đứng sau lần lượt là Đài Loan và Nga chiếm tỷ trọng lần lượt là 12,5% và 5,5% về sản lượng. Xuất khẩu sang 3 thị trường chính này vẫn trong xu hướng giảm mạnh, bởi kinh tế các nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

 

 

Tuy vậy, chè Việt Nam vẫn đang được nhiều thị trường khác tích cực đón nhận, trong đó có quốc gia đến từ khu vực Vùng Vịnh.

Cụ thể, trong tháng 11/2023, xuất khẩu chè sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đạt 227 tấn, thu về 482 nghìn USD, tăng 70,7% về lượng và tăng 38,2% về giá trị. Tính chung 11 tháng đầu năm, UAE đã nhập 1.043 tấn chè từ Việt Nam, tương đương trên 2,4 triệu USD, tăng 114,2% về lượng và tăng 105,4% về giá trị.

Xuất khẩu chè sang quốc gia Trung Đông trong 11T/2023 đã vượt mức tổng cả năm 2022 cộng lại. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm sang UAE đạt 2.331 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia, chè Việt Nam, đặc biệt là chè xanh thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng do mức thu nhập của người Trung Đông ngày càng tăng. Họ muốn sử dụng các sản phẩm giúp đảm bảo sức khỏe.

Thương mại song phương Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, dù thương mại toàn cầu đang có nhiều yếu tố không thuận lợi. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới.

 

Do UAE là thị trường mở, các nhà nhập khẩu, phân phối và hệ thống siêu thị tại UAE hiện có nhiều nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác nhau cho cùng một loại sản phẩm, do đó, những sản phẩm như xoài, cà phê, chè của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thái Lan,…

 

 

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 7 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước.

Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân… Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… với khoảng trên 24% tổng diện tích trồng chè cả nước.

Chè đang dần có những vị trí nhất định trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á. Văn hóa uống chè đang dần thay đổi, đây cũng là cơ hội lớn cho chè Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường