Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành sữa ASEAN thu hút vốn cổ phần tư nhân
25 | 03 | 2024
Các quỹ cổ phần tư nhân (private equity) đang đổ vốn vào các công ty sữa ở Đông Nam Á, bởi đây cũng là những con bò sữa đẻ ra tiền (cash cow) cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Một trang trại quy mô hiện đại của Vinamilk. Thách thức của ngành sữa Việt Nam là tình trạng sản xuất manh mún và giá thành cao. Ảnh: VNM

Các quỹ cổ phần chú ý mảng ngon ăn

Năm ngoái, quỹ cổ phần tư nhân Growtheum Capital Partners có trụ sở ở Singapore đã có hai khoản đầu tư lớn ở khu vực. Tháng 4, Growtherum công bố khoản đầu tư 100 triệu đô la để đổi lấy 15% số cổ phần của Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP) có trụ sở tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Trước đó, Growtherum đã bơm 70 triệu đô la vào Kin Dairy tại Indonesia.

Amit Kunal, đối tác quản lý của Growtherum, nói rằng: “Khi thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng lên, Đông Nam Á sẽ hướng tới các sản phẩm lành mạnh hơn cho nhu cầu nạp năng lượng. Dù chi tiêu cho các nhu cầu khác có ít đi, nhưng chi tiêu cho sữa vẫn liên tục tăng trưởng”.

Có trụ sở tại New York, nhưng quỹ General Atlantic cũng vươn tay sang tận Indonesia với thương vụ rót 130 triệu đô la cho Công ty thực phẩm và sản phẩm sữa PT Cisarua Mountain Dairy (Cimory) niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia. Trong khi đó, nhà sản xuất sữa non VitaDairy của Việt Nam đang muốn bán 30% số cổ phần lấy 100 triệu đô la, theo DealStreetAsia. Nhưng từ tháng 8-2023 đến nay, vẫn chưa có thông tin “chốt” thương vụ này.

Trong quá khứ, các doanh nghiệp ngành sữa ASEAN từng nhiều lần nhận vốn cổ phần tư nhân. Dymon Asia Private Equity của Singapore bơm vốn cho The Holstein Milk Company tại Malaysia năm 2018. Southern Capital Group đóng tại Texas, Mỹ mua lại F&B Nutrition tại Malaysia năm 2019. Tiếp đó, năm 2020 hai công ty vốn cổ phần của Mỹ là TPG Capital và Northstar Capital đã mua lại mảng kinh doanh sữa của Tập đoàn nông sản Japfa của Singapore.

Theo Martin Lemoine, người đứng đầu nhóm đầu tư kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu sữa và chế phẩm từ sữa của ASEAN rất đa dạng, từ các loại sữa nước và sữa chua cần hệ thống trữ lạnh đến các loại sữa bột, phô mai…

ADB đóng vai trò là nhà đầu tư chủ chốt trong đợt IPO của Cimory trên Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia năm 2021. Ngân hàng cũng là đối tác hữu hạn cho Growtherum vay.

Không gian tăng trưởng vẫn rất lớn

Việt Nam và Indonesia là hai thị trường sữa, chế phẩm sữa lớn nhất khu vực. Tình trạng chung của các hãng sữa tại Indonesia và Việt Nam là gặp nhiều thách thức khi hệ thống trang trại nuôi bò lấy sữa vẫn còn manh mún, chưa được đầu tư đúng mức, giá thành vẫn còn cao so với các nước nông nghiệp tiên tiến.

Việt Nam có khoảng 200 hãng sản xuất sữa lớn nhỏ, theo hãng nghiên cứu Research & Markets của Ireland. Nhưng với số lượng nhà cung cấp địa phương dồi dào như vậy, Việt Nam chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Hãng nghiên cứu Ireland ước tính rằng doanh thu sữa của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ 4,4 tỉ đô la năm 2017 lên 8,4 tỉ đô la năm 2021. Statista và các hãng nghiên cứu khác đánh giá quy mô thị trường Việt Nam nhỏ hơn.

Hiện mức tiêu thụ sữa tính theo đầu người tại Việt Nam chỉ 28 lít trong năm 2021, thấp hơn mức 35 lít của Thái Lan và 45 lít của Singapore. Dự kiến mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người sẽ đạt 40 lít vào năm 2030.

Từng bơm vốn cho Vinamilk và IDP, VinaCapital đặc biệt hào hứng với triển vọng kinh doanh ngành sữa tại thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Giám đốc đầu tư Andy Ho nói: “GDP tính theo đầu người của nước này hiện ở mức 4.000 đô la. Việt Nam tăng trưởng đều, nên vẫn còn nhiều dư địa để thị trường sữa tăng trưởng. Thị trường sữa Việt Nam đã trưởng thành có quy mô lớn. Và dĩ nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chú ý”.

Tuy nhiên, do nguồn sữa còn phụ thuộc vào nhập khẩu, VinaCapital nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tăng trưởng trong 5-10 năm tới. “Khi đầu tư, chúng tôi cần bảo đảm tỷ suất lợi nhuận 15-25% mỗi năm trong vòng 3-5 năm sau đó. Thật khó để thấy những công ty sữa quy mô lớn hơn đạt mức lợi nhuận đó”.

VinaCapital lần đầu đầu tư vào Vinamilk năm 2006 khi công ty sữa hàng đầu của Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu đô la và thoái vốn năm 2016. VinaCapital cũng đầu tư vào IDP vào năm 2014 và thoái vốn vào năm 2019. Hiện tại, Vinamilk là gã khổng lồ ngành sữa tại Việt Nam và khu vực với mức vốn hóa khoảng 6,4 tỉ đô la cuối năm 2023.

Trong khi đó, trang Marketresearch.com của Mỹ nói doanh thu thị trường sữa của Indonesia đạt 5,1 tỉ đô la vào năm 2021, thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,3% từ năm 2016-2021. Thị trường dự kiến sẽ vượt 7 tỉ đô la vào năm 2026.

Giám đốc tài chính Brahat Joshi của Cimory nói công ty là người được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh chóng này. “Trước đây, Indonesia đã tụt hậu so với các đối tác ASEAN về tiêu thụ sữa. Nhưng khi mức thu nhập tăng đều đặn, nhu cầu về các sản phẩm sữa tăng lên đáng kể”.

Tương lai của ngành sữa ASEAN

Ngành sữa ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lĩnh vực phát triển tiềm năng. Lemoine nói ADB đang xem xét một số khoản đầu tư mới. Tuy vậy, chuỗi cung ứng sữa ASEAN còn gặp nhiều hạn chế. Ông Joshi cho biết tập quán canh tác ở Indonesia vẫn còn manh mún. Hạ tầng logistics kém cũng cản trở sự phát triển của mạng lưới phân phối sữa ở xứ vạn đảo.

Các chuyên gia khác nói tình hình tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam và các nước ASEAN khác vốn không có truyền thống lâu đời về nuôi bò và gia súc khác để lấy sữa như trâu, dê, cừu và lạc đà như các nước Nam Á hay Trung Á.

“Để thành lập một trang trại, bạn cần một vùng đất rộng lớn, điều kiện thời tiết thuận lợi và mực nước ngầm tốt. Điều này cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và chuyên môn để quản lý quỹ. Có lẽ đó là lý do tại sao trong thập kỷ qua, có ít khoản đầu tư vào lĩnh vực này hơn. Lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở. Nếu ai đó cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt, thú vị thì chắc sản phẩm sẽ bán được”, Kunal từ Growtherum nhận định.

Vốn cổ phần sẽ vẫn tiếp tục đổ vào ngành sữa ASEAN. Có nghĩa là tiềm năng các vụ thâu tóm, mua bán và sáp nhập (M&A) có thể diễn ra, như trong trường hợp các hãng sữa và thực phẩm Nhật Bản thâm nhập thị trường Việt Nam.

Thách thức lớn của các hãng sữa

Ông Lemoine nhận thức được vai trò của ADB là hỗ trợ các công ty sữa ASEAN tìm nguồn cung ứng sữa nguyên liệu chất lượng và giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất sữa, đưa kinh nghiệm của ngành sữa tiên tiến hơn áp dụng ở Việt Nam và khu vực. ADB gần đây đã đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của một công ty nuôi trồng thủy sản Việt Nam để sản xuất rong biển có thể giúp giảm lượng khí thải methane của bò sữa.

Hơn nữa, thị trường sữa thực vật được đánh giá sẽ ngày càng mở rộng khi người dân ASEAN bắt đầu quen với sản phẩm. Sữa hạt gai dầu (hemp), sữa yến mạch, sữa hạnh nhân và sữa dừa được đánh giá là tinh khiết hơn sữa bò và các loại sữa động vật.

Cho đến lúc này, sữa của các nước ASEAN vẫn cao giá hơn sữa ở các nước như Úc và New Zealand. Giá một lít sữa bán lẻ ở Úc là 1,5 đô la Úc, tương đương hơn 25.000 đồng. Trong khi đó giá quy đổi mỗi lít sữa tươi ở Việt Nam là 28.000-45.000 đồng (tùy không đường hay có đường), gần 38.000 đồng ở Indonesia, hơn 41.000 đồng ở Thái Lan và hơn 65.000 đồng ở Singapore. Tuy nhiên, khi mua bình sữa ba lít tại Úc, giá bán lẻ mỗi lít chỉ còn 16.300 đồng/lít.

Nhà đầu tư tư nhân lạc quan về tương lai ngành sữa ASEAN

Theo Our World in Data, Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là bốn nước sản xuất sữa lớn ở Đông Nam Á, với sản lượng lần lượt là 2,152 triệu tấn, 1,592 triệu tấn, 1,2 triệu tấn, và 1,092 triệu tấn. Nhưng ASEAN cũng là những nước nhập khẩu ròng sữa và chế phẩm từ sữa. Theo dữ liệu của Ngân hàng Rabobank tại Hà Lan, các nước Đông Nam Á đã nhập tổng cộng 9,9 tỉ lít sữa trong năm 2022, so với 14 tỉ lít của Trung Quốc. Ngân hàng này ước tính mức nhập khẩu trong năm ngoái giảm 2% so với năm 2022, dự kiến tăng 3% trong năm 2024.

Dân số và mức sống người dân trong khu vực ngày càng gia tăng, khiến lượng sữa luôn gia tăng. Vì thế, các nhà đầu tư cổ phần tư nhân rất lạc quan về tương lai ngành sữa ở Đông Nam Á.

 



Báo cáo phân tích thị trường