Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tín hiệu tích cực với giá gạo xuất khẩu
26 | 03 | 2024
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được chào bán với giá từ 590 - 595 USD/tấn, tăng thêm 5-10 USD so với mức 585 USD/tấn của một tuần trước đó.

Nguồn: baodautu.vn

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng do các yếu tố về nguồn cung khan hiếm trên thị trường lúa gạo toàn cầu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm được chào giá ở mức 590- 595 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.

Giá chào xuất khẩu của gạo 5% tấm đã tăng thêm từ 5-10% USD/tấn so với một tuần trước đó. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu từ châu Phi thấp.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đứng ở mức từ 543 - 550 USD/tấn trong tuần qua, so với mức từ 548 - 555 USD/tấn của tuần trước đó.

Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này đứng ở mức 598 USD/tấn, giảm so với mức 615 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo Thái Lan giảm do đồng baht xuống giá, trong khi giá gạo trong nước gần như không đổi. Đồng baht của Thái Lan giảm 0,5% so với đồng USD trong tuần qua.

Tính đến 15/3/2024, gạo là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp, khi xuất bán thành công gần 1,6 triệu tấn, mang về 1,06 tỷ USD.

Trong khi quý I năm trước, ngành gạo xuất khẩu gần 1,85 triệu tấn, nhưng trị giá chưa đạt tỷ USD, dừng ở 981 triệu USD.

Rõ ràng, nhờ giá xuất khẩu tăng cao, dù sản lượng gạo bán ra thấp hơn nhưng trị giá thu về từ xuất khẩu đã tăng đáng kể, đồng thời cho thấy hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc

Từ tháng 7 năm ngoái, xuất khẩu gạo có nhiều động thái có lợi với Việt Nam khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Nhờ đó, lần đầu tiên trong cả năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, doanh thu gần 4,7 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.

Thị trường lúa gạo năm 2024 tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Dự báo, xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ vượt 8 triệu tấn, mang về doanh thu trên 5 tỷ USD. Nguồn cung gạo toàn cầu giảm, các nước như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường gia tăng nhập khẩu gạo trong năm 2024 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tạo cơ hội cho gạo Việt.

Điều quan trọng hơn là ngành lúa gạo trong nước đã và đang khẳng định được vị thế của nhà cung ứng chuyên nghiệp theo hướng không ngừng nâng cao giá trị, cắt giảm tối đa phát thải trong quá trình sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

 



Báo cáo phân tích thị trường