Nguồn: vietnamplus.vn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo 2024 sẽ tiếp tục năm có nhiều cơ hội trong xuất khẩu gạo. (Ảnh: TTXVN)
Nông nghiệp đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong xuất khẩu ngay từ đầu năm với mức tăng quý 1 năm 2024 gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì ngành sẽ có một năm xuất khẩu nông lâm thủy sản thuận lợi, đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành từ 54-55 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp đã có bốn mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đều là những mặt hàng có sự tăng trưởng khá mạnh. Đó là gỗ đạt 2,32 tỷ USD, tăng 26,8%; rau quả 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%; gạo 1,37 tỷ USD, tăng 40%; càphê 1,9 tỷ USD, tăng 54,2%.
Đặc biệt, gạo, rau quả, càphê… đã có sự tiếp nối tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2023. Quý 1, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,07 triệu tấn gạo, tăng 12% về lượng nhưng giá trị tăng 40% và đạt 1,37 tỷ USD.
Giá xuất khẩu gạo những tháng đầu năm có giảm so với cuối năm 2023, song vẫn tăng 25% so với cùng kỳ quý 1 năm 2023; giá xuất khẩu trung bình quý 1 năm 2024 đạt 661 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo 2024 sẽ tiếp tục năm có nhiều cơ hội trong xuất khẩu gạo và đạt trên 8 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị phần gạo thơm các loại tiếp tục tăng mạnh so với những năm trước do sản lượng tăng, giá cạnh tranh và nhất là có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đa dạng của các thị trường, điển hình: OM5451, Jasmine, tấm thơm…
Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá lúa gạo nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức Hiệp hội sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ phổ biến chính sách xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam và tiếp tục thời kỳ chuyển tiếp để thích ứng với nhu cầu đổi mới, tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.
Năm nay, xuất khẩu rau quả được kỳ vọng tiếp tục vượt mốc lịch sử năm 2023. Trước mắt, quý 1, rau quả xuất khẩu đã đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%. Đây là lần đầu tiên rau quả vượt 1 tỷ USD ngay trong quý đầu của năm.
Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc.
Điều này nhằm đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết.
“Nếu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được mở cửa sang Trung Quốc sớm thì xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh,” ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, vừa qua Việt Nam có 30 lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo do bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của thị trường này.
Đây là số liệu được tổng hợp từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Tuy chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu song cũng cho thấy thị trường này không chỉ quan tâm đến các đối tượng dịch hại mà cả chất lượng sản phẩm bên trong.
Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo các đơn vị sản xuất cần có sự chú ý về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, điều chỉnh biện pháp canh tác để giảm việc hấp thụ cadimi, như sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng với tỷ lệ hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng nên chủ động kiểm tra chất lượng sản phẩm, trong đó có hàm lượng cadimi để tránh rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục phát hiện và áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm chỉnh các yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong xuất khẩu.