Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Giá cà phê tăng trở lại trong nửa cuối tháng 5
Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp ICO (I-CIP) đạt trung bình 208,4 US cent/pound trong tháng 5, giảm 3,9% so với mức đỉnh 13 năm đạt được vào tháng trước, nhưng vẫn tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ICO, trong nửa đầu tháng 5, giá cà phê thế giới giảm 10,3% từ 217,5 US cent/pound xuống còn 195,1 US cent/pound, do mưa bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Điều này làm giảm bớt nỗi lo về hạn hán trên diện rộng, khiến người nông dân lo ngại sẽ gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho cây cà phê trong niên vụ 2024-2025.
Ngoài ra, các điều kiện thời tiết thuận lợi ở Brazil đã giúp cho hoạt động thu hoạch diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, giá cà phê đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối tháng 5 và tăng từ 195,1 US cent/pound lên 220,7 US cent/pound khi sự không chắc chắn về nguồn cung của vụ mùa 2024-2025 tiếp tục gia tăng, không chỉ ở hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu mà còn ở Trung Mỹ do thời tiết khô hạn và nhiệt độ cao hơn mức trung bình.
Giá cà phê còn được hỗ trợ bởi sự mạnh lên của đồng USD so với đồng nội tệ Brazil (từ 1 USD/5,05 BRL vào ngày 8/5 lên mức 1 USD/5,2 BRL ngày 30/5).
Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024 (ĐVT: US cent/pound)
Dù đã tăng trở lại vào cuối tháng nhưng tính chung trong cả tháng 5 giá của các nhóm cà phê vẫn giảm so với tháng trước. Trong đó robusta giảm mạnh nhất, giảm 4,5% xuống còn trung bình 185 US cent/pound.
Giá arabica Brazil cũng giảm 4,1% xuống 209,8 US US cent/pound. Tương tự, arabica Colombia và arabica khác giảm lần lượt là 3,4% và 3,2%, đạt 233,5 cent/pound và 232,1 US cent/pound.
Trên thị trường kỳ hạn London, giá cà phê robusta tại sàn ICE giảm 6,2% trong tháng vừa qua xuống còn 165,1 US cent/pound. Trong khi arabica trên thị trường kỳ hạn New York giảm 4,2%, đạt 208,9 US cent/pound.
Chênh lệch giá cà phê trên thị trường kỳ hạn New York và London theo đó tăng 4,3% lên 43,7 US cent/pound trong tháng 5.
Tính đến cuối tháng 5, tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đã tăng 24,9% so với tháng trước lên 0,78 triệu bao (loại 60 kg/bao). Tồn kho cà phê arabica trên sàn NewYork tăng 30,3%, đạt 0,84 triệu bao.
Mặc dù tăng nhưng tồn kho tại các sàn vẫn thấp hơn mức trung bình 1,8 triệu tấn của niên vụ 2022-2023.
Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến tháng 5/2024
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng mạnh
Theo ICO, xuất khẩu cà phê tháng 4 toàn cầu đạt 12 triệu bao, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 4) đạt gần 81 triệu bao so, tăng 11,1% (tương ứng 8,1 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 4 với 10,8 triệu bao, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đưa tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh trong 7 tháng đầu niên vụ lên mức 73,2 triệu bao, tăng 11,4% so với cùng kỳ vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil tăng tới 44,9% trong tháng 4 và tăng 21,1% trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 25,2 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê robusta cũng tăng 13,4% trong tháng 4 và tăng 9% sau 7 tháng đầu niên vụ, đạt 29,1 triệu bao.
Mức tăng trưởng kể trên chủ yếu đến từ Brazil, khi nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đã vận chuyển 3,2 triệu bao arabica cùng với 0,7 triệu bao robusta ra thị trường quốc tế trong tháng 4, tăng lần lượt là 44,1% và 448,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến, xuất khẩu cà phê arabica Colombia ghi nhận mức tăng 5,4% trong tháng 4 và tăng 10,6% trong 7 tháng đầu niên vụ hiện tại, đạt 7,1 triệu bao.
Ngược lại, nhóm cà phê arabica khác giảm 9,1% trong tháng 4 và giảm 0,5% trong 7 tháng đầu niên vụ, xuống còn 11,8 triệu bao. Đã có 15 trong số 29 quốc gia trong nhóm cà phê này chứng kiến xuất khẩu giảm trong tháng vừa qua, đặc biệt là Guatemala, Honduras và Nicaragua, trong khi tăng trưởng được ghi nhận ở Costa Rica, Ethiopia và Peru.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 4)
Ở các nhóm cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan tháng 4 đã giảm 24,8% xuống còn hơn 1 triệu bao. Tuy nhiên, tổng 7 tháng đầu niên vụ vẫn tăng 7,8% lên 7,3 triệu bao.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê các loại là 9%, giảm so với mức 9,3% của cùng kỳ năm trước. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất trong tháng 4, đạt 0,3 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đã rang tăng 25,3% trong tháng 4 và tính chung 7 tháng đầu niên vụ tăng nhẹ 2,4% lên mức 0,4 triệu bao.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024
Xuất khẩu cà phê biến động trái chiều giữa các khu vực
Xét theo khu vực, Nam Mỹ tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 4 với khối lượng đạt hơn 5,1 triệu bao, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuất khẩu của khu vực đạt 38,7 triệu bao, tăng 30,7% so với niên vụ trước và chiếm 47,8% thị phần thế giới.
Trong đó, xuất khẩu cà phê của Brazil tăng 54,8% trong tháng 4 lên 4,2 triệu bao. Đây là khối lượng xuất khẩu lớn nhất được ghi nhận trong tháng 4, vượt qua kỷ lục cũ là 3,6 triệu bao đạt được vào năm 2020.
ICO cho rằng đà tăng mạnh mẽ của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng chủ yếu là do vụ thu hoạch bội thu của Brazil trong niên vụ 2022-2023 và 2023-2024, với sản lượng ước tính tăng lần lượt 8,4% và 9,2%.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024
Xuất khẩu cà phê các loại của khu vực châu Phi cũng tăng mạnh 39,4% trong tháng 4 và tăng 5,3% trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 7,5 triệu bao. Chủ yếu là do xuất khẩu của Bờ Biển Ngà và Ethiopia tăng lần lượt 202,5% và 103,6% lên hơn 0,1 triệu bao và 0,6 triệu bao trong tháng 4.
Còn tại khu vực châu Á và châu Đại Dương, trong tháng 4, xuất khẩu cà phê của khu vực tiếp tục giảm 0,3% xuống còn 3,8 triệu bao. Với kết quả này, tổng xuất khẩu cà phê của khu vực trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 27,5 triệu bao.
Một lần nữa, xu hướng chung của khu vực được quyết định bởi Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Á và châu Đại Dương, ghi nhận lượng xuất khẩu giảm 6,9% trong tháng 4. Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 5/7 tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024 và đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp của quốc gia này.
Theo lý giải của ICO, xuất khẩu của Việt Nam giảm bởi lượng xuất khẩu cao trong niên vụ cà phê 2022-2023 và một năm ngoài chu kỳ sản xuất hai năm một. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu trong tháng 4 vẫn thấp hơn so với mức trung bình 2,8 triệu bao trong cùng kỳ ba năm vừa qua.
Mặc dù vậy, sự cải thiện từ Indonesia đã phần nào làm dịu đi tình trạng suy giảm chung của khu vực. Theo đó, Indonesia đã xuất khẩu 0,4 triệu bao cà phê trong tháng 4 vừa qua, tăng tới 43,1% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Cũng giống như khu vực châu Á, xuất khẩu cà phê từ Trung Mỹ và Mexico đã giảm 12,6% trong tháng 4 và giảm tổng cộng 8% kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, đạt 7,2 triệu bao.
Guatemala và Honduras hiện đang trải qua vụ mùa năng suất thấp theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần, đây là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của hai nước này giảm lần lượt là 0,6% và 9,4% trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024.
Trong khi Nicaragua đang trong một năm thuận lợi, nhưng tổng xuất khẩu của nước này tính đến tháng 4 đã giảm 27,2% xuống còn 1 triệu bao. Việc Mercon Coffee Group, công ty chiếm hơn một nửa lượng cà phê xuất khẩu của Nicaragua tuyên bố phá sản vào tháng 12/2023 là lý do chính khiến suất xuất khẩu của quốc gia này sụt giảm trong năm cà phê hiện tại cho đến nay.