Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành phân bón kỳ vọng chính sách mới
19 | 06 | 2024
Các doanh nghiệp kỳ vọng, tới đây, việc chuyển mặt hàng phân bón cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sẽ tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành phân bón, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân và nền kinh tế.

Nguồn: nhandan.vn

Ngành phân bón kỳ vọng chính sách mới

Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024). Một nội dung được doanh nghiệp quan tâm đặc biệt trong Dự thảo Luật là chuyển mặt hàng phân bón cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế VAT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay.

Doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng do không áp thuế

Theo quy định hiện hành, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ… chiếm 40 - 60% giá thành sản phẩm không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế VAT. Vì vậy, tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả phải cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định, làm tăng giá sản phẩm.

Nêu lên bất cập này, ông Đỗ Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư nông sản Apromaco cho biết, trong 10 năm qua, doanh nghiệp đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất supe lân, lắp đặt thêm các dây chuyền sản xuất phân bón NPK… để nâng sản lượng, đặc biệt là chất lượng mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán phân bón bị vọt lên.

“Việc tăng giá bán lại phụ thuộc yếu tố cung cầu và thị trường, doanh nghiệp không thể tăng giá quá cao để bù đắp các chi phí nên sẽ bị thiệt hại và hậu quả là sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, không còn nguồn vốn cho tái đầu tư, cho nghiên cứu phát triển. Trong giai đoạn 10 năm qua, số tiền thuế VAT không được khấu trừ khoảng 300 tỷ đồng”, ông Hùng quan ngại.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP DAP Vinachem cũng cho hay, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hằng năm tính vào khoảng 7 - 8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm nay thì lũy kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, có điều kiện để giảm giá bán và trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu.

Ông Trung đánh giá: "Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành sản xuất tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất, kinh doanh sụt giảm". Nghịch lý dẫn đến khả năng chúng ta có thể “thua” trên chính sân nhà. Doanh nghiêp đang mong chờ Nhà nước có chính sách kịp thời hỗ trợ ngành.

Ngành phân bón kỳ vọng chính sách mới ảnh 1

Ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ảnh: BẮC SƠN

Nhiều lợi ích khi áp dụng thuế VAT 5%

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, trước đây, khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015. Từ đó, ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế VAT.

Ông Phụng chỉ ra, năm 2014 không có số liệu để minh chứng chịu thuế 5% sẽ tốt hơn 0%. Nhưng thực tế 10 năm qua đã chứng minh nếu áp thuế 5%, các doanh nghiệp phân bón có cơ hội giảm giá cho bà con, đem lại hiệu quả cho kinh tế nông nghiệp.

Về những lợi ích khi áp dụng thuế VAT 5% với ngành phân bón, ông Phụng cho rằng có ba lợi ích rất cụ thể. Thứ nhất, tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, yêu cầu doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào cần hạ mặt bằng giá bán. Thứ hai, chúng ta đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới kinh tế nông nghiệp nông thôn. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư về nông thôn, việc áp thuế VAT giúp doanh nghiệp phân bón được khấu trừ kê khai thuế VAT đầu vào. Thứ ba, có những doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, Nhà nước hoàn lại cho doanh nghiệp, tránh doanh nghiệp bị mất vốn.

Hiện nay, có gần 100.000 tỷ đồng thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, đang nằm ở các doanh nghiệp đang hạch toán ghi nợ tài khoản kế toán - tài khoản 133, thuế VAT đầu vào được khấu trừ nhưng không được khấu trừ, nó là một khoản mất vốn. Với quy định này của Luật Thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Đại diện DAP - Vinachem cũng cho rằng, áp thuế VAT 5% sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ cơ hội này, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn với phân bón nhập khẩu, có khả năng chiếm lĩnh được thị trường, gia tăng thị phần. Gia tăng thị phần thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Còn theo ông Đỗ Đức Hùng, hiện tại nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và thu hẹp sản xuất. Vì vậy, áp mức thuế mới sẽ làm cho sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như Trung Quốc, ASEAN. Doanh nghiệp kỳ vọng nếu chính sách mới được thông qua sẽ là “cú huých” lớn cho sản xuất phân bón trong nước.

Quy mô thị trường phân bón Việt Nam ước tính đạt 3,44 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,38% trong giai đoạn (2024-2030), ngành phân bón Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu, nhấn mạnh vào các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường.

 



Báo cáo phân tích thị trường