Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu thị trường phục hồi, xuất khẩu gỗ tăng mạnh
17 | 07 | 2024
Xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận sự tăng trưởng tích cực do nhu cầu tăng tại nhiều thị trường lớn. 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 8 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, toàn ngành gỗ và lâm sản xuất siêu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,664 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023… Cùng đà tăng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng rất mạnh; đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 46,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng nhưng vẫn chưa thật sự khả quan khi các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 50 - 70%. Đơn hàng ngắn, thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, các khách hàng lại luôn đưa ra yêu cầu giảm giá. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện thêm với khó khăn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn sản xuất cầm chừng do đơn hàng ngắn hạn và thiếu tính ổn định…

Duy trì đơn hàng và tìm kiếm thị trường mới

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu này, Cục Lâm nghiệp cho biết từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại. Cục Lâm nghiệp bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng....

Với những quy định mới của DOC, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Sản xuất đồ gỗ cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá./.

 



Báo cáo phân tích thị trường