Nguồn: baodongnai.com.vn
Sản xuất tại Công ty TNHH Woosung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo)
Để từng bước tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TĂCN đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu.
Phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu
Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu 80% nguyên liệu và phụ gia TĂCN. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 16,8 triệu tấn nguyên liệu TĂCN, tương đương 6,8 tỷ USD.
Trong 7 tháng của năm nay, Việt Nam chi hơn 2,9 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 5% so với cùng kỳ. DN trong nước nhập khẩu mặt hàng này trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Argentina là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, tiếp theo là Hoa Kỳ, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ…
Việt Nam định hướng phát triển sản xuất TĂCN công nghiệp ở vùng còn không gian chăn nuôi lớn; hạn chế mở mới và mở rộng quy mô cơ sở sản xuất ở khu vực có mật độ chăn nuôi và mật độ cơ sở sản xuất TĂCN cao.
Nhu cầu nhập khẩu thức ăn gia súc và nguồn nguyên liệu đầu vào diễn ra trong bối cảnh ngành chăn nuôi của Việt Nam có những bước phát triển nổi bật. Hơn 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn heo đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn gia cầm đứng top đầu thế giới; sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng TĂCN công nghiệp đứng số một khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.
Trong bức tranh sản xuất TĂCN cả nước thì Đồng Nai là địa phương trọng điểm. Từ rất sớm, Đồng Nai đã thu hút được nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư. Hiện có khoảng 40 nhà máy sản xuất TĂCN đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…
Tuy nhiên, cũng như cả nước, vấn đề nguyên liệu cho sản xuất đang là vấn đề nhiều DN Đồng Nai gặp phải trong những năm qua. Theo đại diện Công ty TNHH Woosung Việt Nam (KCN Bàu Xéo), sản xuất TĂCN nói chung hiện nay đang gặp khó khăn bởi nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra do các yếu tố bất lợi về tình hình thế giới nên các chi phí đầu vào cũng đang gia tăng tạo nên áp lực cho các nhà sản xuất.
Hiện đại hóa sản xuất và nội địa hóa nguyên liệu
Tại Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TĂCN đến năm 2030 của Chính phủ ngày 15-12-2023 đã đặt ra mục tiêu là sản lượng đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu TĂCN.
Chính phủ đặt ra các nhiệm vụ, dự án ưu tiên như đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm TĂCN; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm đầu vào cho các nhà máy sản xuất...
Tương tự, ở Đồng Nai, ngày 11-7-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã ký ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về việc triển khai Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Theo đó, sẽ mở rộng vùng trồng để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất TĂCN; phát triển vùng trồng phục vụ cho chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi đại gia súc. Sử dụng có hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh giao các đơn vị liên quan phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng có năng suất cao. Sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, thu hút các dự án chế biến TĂCN công nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các kết quả khoa học - công nghệ mới…
Cùng với cơ quan Nhà nước, vấn đề đầu tư công nghệ cũng như nội địa hóa nguyên liệu sản xuất là mục tiêu của các DN. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, các nhà máy chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về TĂCN nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đối với Tập đoàn C.P., Đồng Nai là địa phương đầu tiên được đầu tư và hiện đơn vị đã có 12 nhà máy sản xuất TĂCN gia súc, gia cầm, thủy sản tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, C.P. cũng có 6 nhà máy chế biến thủy sản, thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Pawalit Ua - Amornwanit, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam thì DN sẽ liên kết với các trang trại, hỗ trợ vốn, giống, TĂCN, chuyển giao công nghệ hiện đại. DN hướng tới sự hài hòa để mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi và luôn đảm bảo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.