Số còn lại phải nhập khẩu (trong đó khoảng 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 60-70% thức ăn giàu đạm và hơn 90% chất phụ gia là phải nhập khẩu) chiếm 45% tổng giá trị nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu khả năng thực hiện quy hoạch phát triển các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Với trên 1 triệu ha ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,6 triệu tấn ngô/năm nhưng các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm (riêng năm 2006 là khoảng 500.000 tấn). Các nguyên liệu khác như: bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid… cũng phải nhập khẩu do trong nước không thể tự sản xuất hoặc nguồn cung ứng hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-20%.
Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, dự tính đến năm 2010 nhu cầu về thức ăn tinh cho ngành chăn nuôi cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn. Với mục tiêu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi xuống còn 50% vào năm 2010, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo đủ nguồn thức giàu năng lượng như cám, gạo, ngô, sắn...; đồng thời chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất hoá dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước. Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị Nhà nước có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng với người nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, đậu tương, sắn... để có nguồn nguyên liệu ổn định./.