Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực thi hợp đồng: Cơ chế giải quyết tranh chấp và cưỡng chế thực thi hợp đồng kém hiệu quả đang hạn chế việc ký kết hợp đồng kinh doanh giữa các doanh nghiệp
25 | 09 | 2007
Hiện nay việc thi hành hợp đồng ở Việt Nam vẫn còn vướng mắc vì một số các lí do sau:

·                     Thứ nhất, vẫn tồn tại 3 luật hợp đồng khác nhau: i) Bộ luật Dân sự điều chỉnh hợp đồng dân sự; ii) Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế điều chỉnh hợp đồng kinh tế và iii) Luật Thương mại điều chỉnh hợp đồng thương mại. Do vậy, các bên có liên quan đến tranh chấp hợp đồng thường mất nhiều thời gian cãi nhau về việc xác định tranh chấp này là thuộc về dân sự hay kinh tế để xác định khung pháp luật điều chỉnh.

            Thứ hai, hợp đồng được các bên soạn thảo rất sơ sài do thông lệ là luật sẽ điều chỉnh các vấn đề còn lại hoặc có thể do các bên tham gia hợp đồng không biết là có nhiều luật điều chỉnh chế định hợp đồng. Chính vì vậy khi có tranh chấp xảy ra các bên phụ thuộc vào quyết định chủ quan của thẩm phán. Việc buộc thực hiện đúng hợp đồng trở nên phức tạp và khó thực hiện.

            Thứ ba, ngay dù khi hợp đồng được soạn thảo một cách chi tiết để tránh những lỗ hổng của luật pháp, cơ quan công chứng lại thường yêu cầu các bên điều chỉnh lại hợp đồng và bỏ đi những điều khoản khung vì cho rằng các điều khoản này đã được điều chỉnh trong luật.

            Thứ tư, quyết định của tòa hay trọng tài thương mại ở Việt Nam là không dự báo trước được do trình độ và chất lượng xét xử còn thấp.

Bà Nguyễn Đào, Giám đốc, Johnson Stokes & Master,
Trưởng tiểu ban Đất đai của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

 

·                     Việc đảm bảo thực hiện hợp đồng giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gặp phải những rào cản cả ở trong pháp luật cũng như trên thực tế triển khai. Hiện nay chế định về hợp đồng trong pháp luật Việt Nam còn sơ sài và chưa tương thích với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chính vì vậy có xu hướng các trọng tài viên quốc tế áp dụng luật pháp và thông lệ quốc tế để xử các vụ tranh chấp có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam. Việc đưa tất cả các quy định về hợp đồng vào diện điều chỉnh của Bộ luật dân sự sửa đổi mà không có chương hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại, các nhà lập pháp chưa đem lại được cho doanh nghiệp một chế định hợp đồng đầy đủ khi họ giao kết hợp đồng thương mại, đặc biệt là hợp đồng thương mại quốc tế.

Một câu ngạn ngữ của Phương Tây "Một thỏa hiệp tồi còn hơn một bản án tốt" đã cho thấy khi có tranh chấp xảy ra, nếu các doanh nghiệp tự thỏa thuận giải quyết được với nhau thì vẫn tốt hơn so với việc mang nhau ra cơ quan tài phán (hoặc là tòa án hoặc là trọng tài). Đưa một tranh chấp ra trước cơ quan tài phán tất nhiên là sẽ tốn kém cả về mặt thời gian và tiền bạc của cả hai bên. Hệ thống tòa án của Việt Nam hiện nay là quá tải. Trong thời gian vừa qua, cũng đã nhiều nỗ lực để cải thiện hệ thống tư pháp. Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 đã tăng thẩm quyền cho tòa án cấp quận, huyện, đã quy định chi tiết về thời hạn tòa án phải trả lời nguyên đơn (5 ngày kể từ ngày toà nhận đơn khởi kiện) và thời hạn chuẩn bị xét xử (2-4 tháng) và đưa vụ việc ra xét xử (sau 1-2 tháng kể từ này ra quyết định xét xử). Việt Nam cũng đang xem xét việc áp dụng thủ tục xét xử nhanh vụ kiện và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục ở tòa. Tuy nhiên, những cải cách này phải đi song song với việc nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán. Hơn nữa cần tiếp tục đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa để giảm dần cách làm "thủ công" của một số tòa như hiện nay để tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và thời gian xét xử.

Các doanh nghiệp cần nhận thức được vẫn còn một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh hơn và hiệu quả hơn - bằng trọng tài thương mại. Ưu điểm nổi bật của xét xử bằng trọng tài thương mại so với tòa án ở chỗ nhanh gọn, kín đáo và phán quyết của trọng tài là có giá trị chung thẩm, tức có hiệu lực cuối cùng và được cưỡng chế thi hành như phán quyết của tòa án. Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 và Pháp lệnh Thi hành án có hiệu lực vào ngày 1/7/2004 đã tạo một khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động của trọng tài thương mại.

Luật sư TS Phạm Liêm Chính,
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính và Cộng sự

 

·                     Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam đang có những bước đi quan trọng. Tất cả các quy định chung về hợp đồng được đưa ra khỏi Luật Thương mại năm 2005. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 hết hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2006. Các quy định có tính chất luật chung về hợp đồng đang được quy trong Bộ luật Dân sự năm 2005 tạo niềm tin lớn hơn và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc áp dụng pháp luật. Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, các quy định về hợp đồng cũng đang được điều chỉnh theo chiều hướng tốt. Một số thay đổi quan trọng có thể liệt kê ra đây như: i) hình thức của hợp đồng chỉ là điều kiện có hiệu lực của HĐ đối với một số HĐ cụ thể mà luật quy định; ii) điều khoản chủ yếu (chỉ mang tính hướng dẫn, không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng nếu không tuân thủ); iii) chỉ vi phạm đối tượng, mục đích của HĐ mới ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng; iv) các bên được quyền áp dụng luật pháp nước ngoài và tập quán quốc tế; v) hai biện pháp bảo đảm quan trọng nhất là cầm cố và thế chấp đã được quy định theo nguyên tắc căn cứ vào mức độ rủi ro chứ không căn cứ vào tiêu chí động sản hay bất động sản nữa; vi) có thể thế chấp tài sản hình thành trong tương lại.

Ông Nguyễn Am Hiểu, Vụ phó,
Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp

 

·                     Hiện các doanh nghiệp vẫn tự tìm cách giải quyết tranh chấp với nhau là chính. Nhiều trường hợp họ nhờ đến công an (như nhờ đi đòi nợ hộ). Ngoài ra họ có thể nhờ những người trung gian hòa giải có uy tín. Ban Pháp chế và Trung tâm Trọng tài của VCCI cũng thường xuyên nhận được các yêu cầu giúp đỡ hòa giải các tranh chấp giữa các DN. Việc công nhận hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp chính thức sẽ hỗ trợ DN giải quyết những tranh chấp không quá phức tạp.

Bà Phạm Chi Lan,
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

 

·                     Cũng phải thừa nhận rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách trong lĩnh vực tư pháp, công tác xét xử các tranh chấp kinh doanh thương mại của tòa án vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Có một số lí do làm cho doanh nghiệp không "mặn mà" với tòa án. Thứ nhất, các công việc của tòa án vẫn còn "thủ công", chưa ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, nên còn nhiều chậm chễ. Thứ hai, tư duy thẩm phán chưa thích nghi được với kinh tế thị trường, nên trong quá trình xét xử, các thẩm phán thiên về bảo vệ lợi ích của Nhà nước hơn là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của họ và giải quyết tranh chấp theo hướng bảo vệ lợi ích của các bên. Thứ ba, kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại (nhất là về sở hữu trí tuệ, có yếu tố quốc tế) của đội ngũ thẩm phán còn rất hạn chế nên quyết định của tòa có vẻ không được các doanh nghiệp phục và tự nguyện thi hành. Thứ tư, vai trò của luật sư trong các phiên tòa cũng còn hạn chế do chưa lấy được sự tin tưởng từ thẩm phán và bản thân luật sư trong nước cũng chưa có nhiều kinh nghiệm đối với các tranh chấp kinh tế thương mại phức tạp. Pháp luật nước ta thì lại chưa cho phép sử dụng luật sư nước ngoài tại tòa để tạo điều kiện học hỏi cho cả thẩm phán và luật sự trong nước. Cuối cùng, ở Việt Nam việc kê khai tài sản không được thực hiện một cách hiệu quả nên rất khó xác định được tài sản nào có thể xiết nợ của bị đơn. Do vậy việc thi hành các quyết định của tòa án hiện nay cũng rất chậm và kém hiệu quả.

Trong thời gian tới, cần thực hiện một rà soát toàn diện về thực trạng và năng lực giải quyết án/tranh chấp kinh tế của hệ thống tòa án và trọng tài thương mại để có thể đưa ra được những đề xuất sửa đổi về chính sách cũng như xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán và trọng tài viên.

Ông Ngô Cường, Phó Viện trưởng,
Viện Khoa học Xét xử, Tòa án Nhân dân tối cao

 

 



Theo kinhdoanh.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường