Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cân đối Cung - Cầu ngành hàng mía đường 9 tháng đầu năm 2007
20 | 10 | 2007
Trong niên vụ 2006/07, tổng cung đường cả nước là 1.374.000 tấn trong đó, lượng đường tồn kho vụ trước chuyển sang là 130.000 tấn. Với lượng đường này, dự báo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đường trong nước đến hết tháng 10/2007. Mới đây, Bộ Thương mại đã cấp phép nhập khẩu 50.000 tấn đường cho các đơn vị sản xuất dùng đường làm nguyên liệu. Do cung, cầu cân đối, giá đường trong nước vụ này tương đối ổn định. Dự kiến niên vụ 2007/08, diện tích mía cả nước đạt 316 nghìn ha, năng suất mía dự kiến 55 tấn/ha. Cả nước sẽ có 38 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế 96,9 nghìn tấn mía/ngày, dự kiến ép 13,4 triệu tấn mía và sản xuất 1,29 triệu tấn đường.

Sản xuất

Niên vụ 2006/07 , diện tích mía cả nước đạt 310.067 ha. Với quy mô như hiện nay, diện tích trồng mía cả nước chỉ thấp hơn diện tích mía niên vụ 2002/03 khoảng 3000 ha. Đây là kết quả của việc nông dân đổ xô trồng mía sau khi giá mía niên vụ 2005/06 đạt mức cao 720 nghìn đồng/tấn ở miền Nam.

Nguồn: Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường vụ 2006-2007, Bộ NN&PTNT

Niên vụ 2006/07, diện tích và năng suất mía đều đạt mức cao hơn so với niên vụ 2005/06. Sản lượng mía cả nước tăng và đạt khoảng 17 triệu tấn, đạt mức xấp xỉ với sản lượng mía các vụ năm 2002 và 2003. Năng suất mía được cải thiện đáng kể, đạt 54,8 tấn/ha. Tuy nhiên, nếu so với niên vụ 2004/05 thì năng suất niên vụ mía 2006/07 vẫn thấp hơn khoảng 1 tấn/ha. Năng suất mía niên vụ 2004/05 ở mức 55,3 tấn/ha. Nhìn chung, năng suất mía có được cải thiện, nhưng vẫn thấp so với năng suất mía của thế giới (75 tấn/ha) và khu vực: Trung Quốc và Ấn Độ 76 tấn/ha, Thái Lan 70 tấn/ha, Úc 83 tấn/ha.

Nguồn: Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường vụ 2006-2007, Bộ NN&PTNT

Vụ sản xuất mía đường 2006-2007 cả nước có 36 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế 87.500 tấn mía/ngày. Sản lượng mía ép đạt 14 triệu tấn, trong đó 12,3 triệu tấn mía ép công nghiệp và 1,7 triệu tấn mía ép thủ công. Cả nước sản xuất được 1.244.000 tấn đường, trong đó 1.144.000 tấn đường công nghiệp và 100.000 tấn đường thủ công (quy đường trắng).

Kể từ niên vụ 2001/02 đến nay, ngành chế biến đường đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng đường chế biến công nghiệp và giảm tỷ trọng sản lượng đường ép thủ công. Nếu trong niên vụ 2001/02, tỷ trọng đường chế biến công nghiệp chiếm 72% tổng sản lượng đường sản xuất, thì đến niên vụ 2005/06 tỷ trọng này đã tăng lên 85% và niên vụ 2006/07 đạt 92%.

Xuất khẩu

Trong 7 năm qua, kim ngạch và sản lượng đường xuất khẩu ngày càng giảm. Mức giảm rõ nét nhất là giai đoạn 2001 – 2002, kim ngạch giảm 1,5 lần trong khi lượng giảm tới 16 lần. Do những năm gần đây, sản xuất đường trong nước giảm sút, lượng đường sản xuất ra chỉ đủ tiêu dùng, các nhà máy sản xuất đường thường xuyên phải nhập khẩu đường nguyên liệu. Trong giai đoạn 2004-2006, lượng đường xuất khẩu rất ít, gần như không đáng kể và đến tháng 8 năm 2007, lượng đường xuất khẩu đạt 9500 tấn, kim ngạch đạt 3,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ có Quyết định quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng đến 2020 của Chính phủ.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp

Giá cả

Tại các địa phương trong cả nước, giá đường nhìn chung ít biến động trong 9 tháng qua, do sản xuất và tiêu thụ đường năm nay tương đối ổn định, các nhà máy đường đã có sự chuẩn bị tốt trước khi vào vụ, chủ động được nguồn nguyên liệu để phát huy công suất ở mức cao. Các nhà máy đường, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã phối hợp với nhau tốt trong tiêu thụ, không để đường lậu tràn vào, tạo sự ổn định cho thị trường trong nước. Trong tháng 6 và tháng 7, giá đường tăng nhẹ khoảng 300 đồng/kg, đạt 11000 đồng/kg tại Bạc Liêu do đây là thời kỳ nắng nóng của mùa hè và chuẩn bị cho tết Trung Thu nên nhu cầu tiêu thụ đường tăng.

Nguồn: Trung tâm thông tin PTNT (www.agro.gov.vn)

Dự báo giá đường trong nước sẽ không tăng trong thời gian tới do nguồn cung trong nước đang dồi dào và giá đường thế giới đang trong chiều hướng giảm do nguồn cung lớn.

Dự báo sản xuất mía, đường niên vụ 2007/08 và chính sách phát triển thời gian tới

Vụ 2007/08, dự kiến diện tích mía cả nước đạt 316 nghìn ha, tăng 6 nghìn ha so với vụ trước tại vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy. Dự kiến năng suất mía đạt 55 tấn/ha, sản lượng mía cả nước dự kiến đạt trên 17,5 triệu tấn.

Vụ 2007/08, cả nước có 38 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 96.999 tấn mía/ngày, dự kiến ép 13,4 triệu tấn mía. Lượng đường sản xuất dự kiến được 1,29 triệu tấn, trong đó có 400 nghìn tấn đường tinh luyện, lượng đường thủ công dự kiến vẫn ở mức 100 nghìn tấn. Như vậy, tổng sản lượng đường cả nước dự kiến ở mức 1,39 triệu tấn.

Ngày 15/02/2007, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phê duyệt Quyết định số 26/2007/QĐ-TTG quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng đến 2020. Theo đó, sản xuất mía đường phải đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội và bền vững môi trường sinh thái, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá... để đến năm 2010 sản lượng đường phải đạt 1,5 triệu tấn, trong đó, đường công nghiệp 1,4 triệu tấn, đường thủ công quy đường trắng là 100.000 tấn. Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường sẽ tăng lên 105.000 tấn mía/ngày, nhưng không phát triển thêm nhà máy.

Bộ Tài chính vừa ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch từ các nước ASEAN. Theo đó, đường ăn thô chưa pha thêm hương liệu phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 80%. Đối với đường ăn đã qua tinh luyện như đường trắng sẽ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 100%.

Liên hệ với tác giả bài viết: Trần Lan Phương - E-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn



Lan Phương (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường