Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phong phú sản phẩm gỗ xuất khẩu
13 | 11 | 2007
Bên cạnh tốc độ phát triển và những thành quả đạt được từ kim ngạch xuất khẩu thời gian gần đây, những khó khăn của ngành chế biến gỗ ngày càng xuất hiện rõ nét, nhất là nguyên liệu gỗ và mẫu mã. Để khắc phục hai khó khăn trên, nhiều DN chế biến gỗ đã chuyển hướng sang sản xuất dòng sản phẩm mới. Đó là sản phẩm gỗ kết hợp với nhiều loại nguyên phụ liệu khác tạo nên sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm.

Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ

Một câu hỏi đã được đặt ra là làm sao giải quyết được mâu thuẫn: Tiết kiệm nguyên liệu gỗ mà vẫn tạo ra được những sản phẩm độc đáo thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời tăng được giá trị sản phẩm nhằm tăng lợi nhuận và duy trì tốc độ phát triển bền vững.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM, một trong những hướng đi mới mà một số DN đang triển khai để đáp ứng được các yêu cầu trên là kết hợp nguyên liệu gỗ với những nguyên vật liệu khác. Cách kết hợp này sẽ tạo nên một dòng sản phẩm mới hết sức độc đáo, đa dạng, có giá trị xuất khẩu cao. Đó là kết hợp sản phẩm gỗ với các vật liệu như nhôm, inox, vải, nhựa… cho dòng sản phẩm ngoài trời; kết hợp với sắt, inox, mây, tre, bèo, kính, vải… cho dòng sản phẩm trong nhà.

Hiện nay trên thị trường, các dòng sản phẩm trên rất được ưa chuộng. Mặt hàng gỗ ngoài trời kết hợp với nhôm, inox, vải… được các nước tiêu thụ tăng như: Hà Lan, Anh, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Australia… Mặt hàng trong nhà như bàn ghế gỗ kết hợp với vải, mây, tre, lá… được các nước ưa chuộng như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Nhật, Mỹ... Trên thế giới, dòng sản phẩm này thu hút mạnh những nhà sản xuất đồ gỗ và có xu hướng lấn át dần sản phẩm đồ gỗ truyền thống.

Chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm này, DN tiết kiệm được nguyên liệu gỗ, tận dụng được những nguyên, nhiên liệu rẻ tiền trong thiên nhiên như mây, tre, lá, bèo tây… và những nguyên liệu khác có giá trị cao hơn như inox, nhôm... Điều đáng nói là các dòng sản phẩm này sẽ tạo điều kiện cho các nhà thiết kế trong nước có vô tận ý tưởng để sáng tạo ra mẫu mã mới.

Khó khăn nhưng... nên quyết tâm

Theo ông Trần Quốc Mạnh, hiện nay, dòng sản phẩm này trong nước có tốc độ phát triển và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chưa cao trong tổng kim ngạch khẩu của ngành; năng lực sản xuất (do phải tăng thêm những công đoạn phức tạp, đòi hỏi quy mô quản lý và trình độ kỹ thuật nhất định) và khả năng tiếp thị của DN chưa đáp ứng nhu cầu. Muốn sản xuất các dòng sản phẩm này, DN phải có thêm máy móc thiết bị (ngoài dây chuyền sản xuất gỗ hiện có), bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật cho đội ngũ công nhân, nhiều công đoạn phải thuê ngoài để phối hợp với chất liệu gỗ. Điều này cũng có nghĩa là DN phải tăng kinh phí đầu tư và đầu tư dài hạn, trong khi phần lớn đều là vừa và nhỏ, hạn chế vốn. Đội ngũ thiết kế hạn chế, khâu marketing chưa hiệu quả, thị trường chưa nhiều, cũng là những khó khăn trước mắt cho DN chuyển sang các dòng sản phẩm này.

Theo ông Mạnh, triển vọng của dòng sản phẩm này rất lớn, DN nên mạnh dạn đầu tư từ khâu tạo ra sản phẩm, tham gia các hội chợ, bán trực tiếp cho các nhà nhập khẩu, nhà phân phối hay qua các công ty trung gian… Khi sản xuất các dòng sản phẩm này, DN nên tận dụng khai thác sự khéo léo, tinh tế trong tay nghề của người thợ Việt Nam, kết hợp nét hiện đại với ý tưởng sáng tạo phù hợp với thị hiếu từng thị trường; kết hợp với các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhằm đa dạng chất liệu, giảm công đoạn sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, không nên ôm đồm sản xuất toàn bộ các công đoạn trong giai đoạn đầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu dòng sản phẩm này được chú trọng đầu tư phát triển đúng mức, chắc chắn sẽ tạo ra một hướng đi mới riêng biệt cho ngành chế biến gỗ trong nước, tạo ra sự khác biệt độc đáo về sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thương trường.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường