Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo không còn gạo để bán!
16 | 11 | 2007
Năm 2007 Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,3 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt trên 1,4 tỉ USD; lần đầu tiên, giá bán gạo của Việt Nam ngang bằng của Thái Lan.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (Vietfood) cho biết các doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu cho năm 2008.

Theo dự báo của Vietfood, với tình trạng thiếu hụt các loại nông sản trên thế giới, đặc biệt là lúa mì bị mất mùa, nhiều nước phải chuyển sang ăn gạo nên dẫn đến sự lệch nhau về cung cầu. Điều này đã xảy ra trong năm nay và sẽ tiếp diễn trong năm 2008. Cụ thể, do lúa mì thất mùa, Ấn Độ và Pakistan đã ban hành lệnh ngưng xuất khẩu gạo khiến nguồn cung của thị trường gạo thế giới hụt hơn 4 triệu tấn (chỉ riêng Ấn Độ mỗi năm xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo). Trong khi đó, theo dự báo năm 2008 các nước châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ nhập khẩu mạnh.

Thị trường thuận lợi, giá bán cũng sẽ thuận lợi theo. Ông Phong cho biết, dự báo giá gạo trong năm 2008 của VN sẽ ở mức rất cao. Gạo 25% tấm là từ 320 USD/tấn trở lên, còn gạo 5% tấm cũng sẽ giữ ở mức 340 USD/tấn trở lên.

Đến thời điểm này, VN đã xuất khẩu được 4.255.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 1,3 tỉ USD. So về lượng thì giảm 0,9% nhưng giá trị lại tăng 13% so với năm 2006. Dự kiến cả 2007 VN sẽ xuất khẩu 4,3 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt trên 1,4 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan.

Điều đáng mừng và cũng là sự kiện trong lịch sử xuất khẩu gạo VN là giá bán gạo của ta trong năm 2007 đạt bình quân 295 USD/tấn, cao hơn năm 2006 đến 41 USD/tấn. Chưa có năm nào gạo 25% tấm của VN vượt qua 300 USD/tấn, nhưng hiện nay chúng ta bán 313 USD/tấn, ngang với giá bán của Thái Lan. Các loại gạo trắng khác cũng vậy, chỉ trừ gạo thơm là giá của ta với Thái Lan vẫn còn chênh nhau. Nhiều năm trước đây, giá bán gạo của VN bao giờ cũng thấp hơn Thái Lan từ 40-45 USD/tấn. Hiện nay VN đã hết gạo để bán, nếu không, giá bán có thể lên đến 320-325 USD/tấn gạo 25% tấm.

Một điểm nổi bật nữa là trong năm nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được lượng nếp khá lớn, khoảng 230.000 tấn, giá trị cũng cao, bình quân 400 USD/tấn, góp phần quan trọng nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của VN.

Nguyên nhân chính của việc giá bán cao là do thị trường năm nay có nhiều thuận lợi cho các nước xuất khẩu gạo: tình trạng thiếu hụt các loại nông sản, bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp VN luôn ổn định và có sự “đột biến” bất ngờ. Ví dụ những năm trước, Indonesia không mua gạo, nhưng năm nay họ lại nhập khẩu 1,5 triệu tấn.

Thêm nữa, nhờ dự báo của hiệp hội ngay từ đầu năm để các doanh nghiệp có sự chủ động khi đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác, nên dù gạo của VN xuất khẩu đa phần là gạo cấp thấp nhưng giá bán lại cao.

Hạn chế trong xuất khẩu gạo

Giá cước tàu tăng quá cao, trên 150 USD/tấn. Tình trạng khan hiếm tàu nghiêm trọng, nên khi ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài, nhiều doanh nghiệp không kịp giao hàng theo đúng hợp đồng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp do chi phí lưu kho, lãi suất ngân hàng...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng bán hàng trong cùng thời gian, nên giá chưa cao, nhưng lại không thuê được tàu, nên phải chịu chi phí nhiều, hiệu quả kinh doanh thấp.



Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường