Trên thực tế, trong 10 năm qua, mặc dù có rất nhiều sáng kiến được đưa ra, nhưng các sản phẩm rau quả Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn: thất thu 20%, chất lượng xấu và sản lượng thấp (kiểm tra chất lượng sau thu hoạch…), bao bì không phù hợp, khó khăn cho lưu trữ và vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của sản phẩm trên thị trường.
Theo các chuyên gia, guồng máy trong lĩnh vực rau quả Việt Nam hiện nay còn thiếu vấn đề hậu cần chuyên nghiệp như: thu gom, vệ sinh và sơ chế; lưu trữ; chọn lọc, phân loại, tuyển lựa và xử lý rau quả; Marketing và phân phối (thị trường trong và ngoài nước); hỗ trợ thông tin thị trường, đào tạo giúp đỡ, tài trợ… cho các nhà sản xuất… Các thủ tục pháp lý về kiểm tra chất lượng, thương hiệu, xuất khẩu. Đây là những vấn đề hết sức cần thiết cho rau quả hàng hóa thời hội nhập.
Theo Tổ chức nông lương Quốc tế, nhu cầu rau quả thế giới trong thời gian gần đây tăng 3,6%, trong khi đó mức cung chỉ tăng 2,8%. Vậy nông sản Việt Nam làm gì để hội nhập khi chất lượng, quy cách vẫn không đồng nhất, mà những vấn đề này đều do tổ chức sản xuất của chúng ta còn quá yếu, manh mún, giá thành cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao hơn các nước khác.
Theo Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD), Dự án thông tin thị trường đã được ký, sẽ tiến hành trong giai đoạn 2007-2010, áp dụng cho chín tỉnh khu vực phía nam; trong quá trình thực hiện dự án sẽ làm sao để nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp có tiếp cận thị trường và hệ thống thông tin nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản.
(Vinanet)