Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm thuế tác động như thế nào đến ngân sách nhà nước?
20 | 09 | 2007
Thực hiện các hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương (trong đó có WTO) ảnh hưởng như thế nào đến ngoại thương và nguồn thu thuế? Làm gì để ngân sách Nhà nước vẫn phát triển bền vững và cân đối tích cực trong quá trình giảm thuế suất ngày càng sâu rộng đối với hàng nhập khẩu? Ðó là những vấn đề đang được quan tâm và chờ đợi sự giải đáp từ thực tiễn.
Từ những số liệu...

Ngay sau khi chính thức gia nhập WTO, từ tháng 1-2007 nước ta đã chủ động thực hiện cam kết: công bố cắt giảm 1.812 dòng thuế nhập khẩu với mức thuế suất giảm bình quân là 14,5%. Trước những con số ấn tượng đó, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ giảm mạnh do cắt giảm thuế quan, do đó cần tăng các nguồn thu nội địa, trong đó có việc khẩn trương đưa vào thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân để bù đắp sự hụt đi của thuế xuất nhập khẩu (XNK). Nhưng nguồn bù đắp cũng chưa chắc đã có tính hiện thực và khả thi cao, bởi sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ chèn ép làm thu hẹp sản xuất, kinh doanh và số thu thuế trong nước.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: song song với việc giảm thuế suất làm giảm số thu thuế XNK thì quy mô ngoại thương lại tăng mạnh, đồng thời các doanh nghiệp, mặt hàng của nước ta nếu đứng vững được thì còn mở rộng thị trường tiêu thụ ở các thành viên WTO, do họ cũng giảm thuế và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, do đó tổng thu NSNN vẫn có khả năng tăng trưởng và cân đối tích cực.

Sau sáu tháng thực hiện cam kết nêu trên, theo số liệu thống kê của các ngành có liên quan thì thấy: so với cùng kỳ, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 30,4%, xuất khẩu tăng 19,4%, nhưng số thu thuế XNK chỉ tăng 21,68% và tổng số thu các loại thuế XNK, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, phí, lệ phí đối với hàng XNK mới đạt 49,8% mức kế hoạch năm. Ước tính đến cuối tháng 8, tổng kim ngạch XNK đạt gần 69 tỷ USD, các chỉ số tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và thu thuế so với cùng kỳ cũng không chênh lệch mấy so với số liệu nêu trên.

Như vậy, tổng giá trị hàng nhập khẩu tăng rất cao, nhưng tốc độ tăng thu thuế thấp hơn đáng kể. Nếu giả định vẫn thực hiện mức thuế suất như năm trước thì tổng thu thuế quan sẽ còn cao hơn khoảng 5-6 nghìn tỷ đồng nữa và tốc độ tăng thu cũng sẽ tương đương tốc độ tăng trưởng kim ngạch XNK. Những con số khách quan cho thấy do giảm thuế suất theo cam kết WTO mà cơ cấu thuế trong giá hàng nhập khẩu giảm đáng kể và NSNN cũng giảm một nguồn thu tương ứng (ước tính cả năm giảm khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, giá thị trường từ đầu năm đến cuối tháng 7 lại không giảm- đó là một nghịch lý vừa được chỉ ra (nguyên nhân chủ yếu do yếu kém trong điều hành tiền tệ- tín dụng và thiên tai, dịch bệnh).

Ðể kiềm chế tốc độ tăng giá và lập lại cân đối cung - cầu, tiền - hàng, từ tháng 8, Chính phủ áp dụng giải pháp: giảm thuế suất đối với 18 nhóm mặt hàng nhập khẩu (gồm thực phẩm, lương thực chế biến, điện máy, vật liệu, hóa chất, mỹ phẩm...). Việc giảm thuế này, theo ước tính sẽ làm giảm số thu thuế XNK trong năm tháng cuối năm nay hàng nghìn tỷ đồng).

Ðó là hai nguồn bị giảm thu lớn đối với NSNN ngay trong năm 2007.

Trong mấy năm tới, thực hiện các cam kết WTO, chúng ta còn tiếp tục cắt giảm thuế suất nhiều hơn đối với vài nghìn dòng thuế; không chỉ có thế mà còn thực hiện cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo những cam kết song phương và khu vực. Ðương nhiên điều đó sẽ có một hướng tác động là giảm thu thuế XNK hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, trên thực tế tổng thu NSNN từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng: so với cùng kỳ, ước tính số thu do ngành thuế quản lý tăng hơn 12% và số thu do ngành hải quan quản lý nếu tính cả thuế giá trị gia tăng, phí, lệ phí và thu khác thì tăng 30%. Ðó là hướng tác động tích cực của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO và khu vực. Tác động tích cực đó bao gồm cả khía cạnh khách quan và chủ quan, như: quy mô ngoại thương tăng trưởng mạnh (đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay), hạn chế buôn lậu, giảm mức thất thu và khai thác hợp lý hơn các nguồn thu trong nước.

Hai tác động trái chiều nêu trên diễn ra theo hướng tăng thu trội hơn giảm thu, nhưng thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm cân đối tích cực NSNN vẫn rất gay gắt, bởi còn nhiều hạn chế và nguy cơ tiềm ẩn. Ðó là: sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu vốn đã quá mạnh lại được tiếp thêm sức bởi lộ trình giảm thuế; năng lực quản lý, kiểm soát các nguồn thu và chống thất thu thuế còn nhiều bất cập; có dấu hiệu lạm phát, giá cả tăng cao. Trong khi đó, để giải quyết tốt các chính sách xã hội song song với tăng tốc phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát trong giới hạn Quốc hội phê chuẩn, nguồn thu NSNN phải phát triển mạnh và vững chắc hơn nữa.

... Ðến những giải pháp

Việc giảm thuế quan theo các cam kết đa phương, khu vực và song phương có mặt tích cực là giảm chi phí đầu vào cho nhiều sản phẩm của nước ta, tạo sức thúc ép các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh để giữ vững thị trường và hơn thế còn khai thác thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu (do cũng được các thành viên WTO giảm thuế và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam). Bởi vậy, giải pháp hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa X) đã chỉ rõ. Trên cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy mô thương mại trong nước và xuất khẩu đều phát triển mạnh thì nguồn thu NSNN sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Về chính sách tài chính- thuế, bên cạnh những đổi mới, hoàn thiện ở tầm vĩ mô cho phù hợp thể chế kinh tế thị trường, nên chú trọng hơn sự phù hợp khả năng chấp hành của người dân xét cả về quy chế và lộ trình thực hiện. Hơn thế, tính hiện thực, khả thi của chính sách và lộ trình đưa chính sách vào thực tiễn cũng cần tương thích năng lực hàng vạn cán bộ trong ngành thuế và hải quan. Chúng ta đều thấy rõ một số bất cập, tiêu cực như: chi phí thời gian, vật chất cho việc chấp hành các thủ tục thuế còn quá nhiều, sự hướng dẫn còn không ít rườm rà, thiếu nhất quán, tình trạng sách nhiễu, thông đồng tham nhũng tiền thuế trong cơ quan hành thu vẫn xảy ra ở nhiều nơi...

Ðáng chú ý là công nghệ quản lý thuế tuy đã được đầu tư lớn, nhưng vẫn còn yếu, chỉ những việc liên quan chưa nhiều "đối tượng quản lý" như doanh nghiệp mua, bán hoá đơn giá trị gia tăng để gian lận tiền hoàn thuế của NSNN, hay việc kê khai, quản lý thuế thu nhập cao của một số người trong đó có các ca sĩ... mà cũng mất vài năm trục trặc, chưa vào nền nếp được. Hàng trăm nghìn hộ kinh doanh hiện vẫn nộp "thuế khoán" vì chương trình mở sổ kế toán do ngành thuế hướng dẫn vẫn chưa đạt yêu cầu. Vậy mà, dự kiến sau hơn một năm nữa đưa thuế thu nhập cá nhân vào thực hiện thì liệu có khả thi với chính ngành thuế không chứ chưa nói tới hàng chục triệu người dân phải được cấp xong mã số thuế, hiểu chính sách và các quy định cụ thể khá dài dòng, phức tạp để lập các bảng kê khai...?

Trong quá trình phát triển và hoàn thiện lĩnh vực thuế, những công việc, chính sách đó trước sau gì cũng phải thực hiện, nhưng có lẽ lúc này việc làm cấp thiết và hiệu quả hơn là nâng cao năng lực xây dựng, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách của toàn ngành thuế, trọng tâm là những sắc thuế đã được luật hóa nhưng việc chấp hành chưa tốt. Nếu các ngành thuế, hải quan làm tốt hơn công tác chống buôn lậu, chống thất thu, chống quan liêu, tham nhũng, gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính thì sẽ góp phần tích cực tăng thu NSNN bù đắp phần hụt do thực hiện các cam kết WTO về lộ trình cắt giảm thuế suất như trên đã dẫn.

Ðể trả lời đầy đủ, chính xác hơn câu hỏi: Thực hiện các cam kết WTO về cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu NSNN và làm gì để NSNN vẫn phát triển vững mạnh?- cần nhiều thời gian và sự đóng góp ý kiến rộng hơn từ những người thu thuế và nộp thuế, từ các chuyên gia ở trung ương đến cơ sở, từ những nơi có cửa khẩu sầm uất đến những vùng chưa mấy phát triển công nghiệp và ngoại thương... Chúng tôi xin nêu vài nhận xét bước đầu, hy vọng nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các ngành liên quan, các đơn vị và các địa phương.

Nguyễn Anh Dũng

(Nhandan.com.vn)



Báo cáo phân tích thị trường