Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia Lai: "5 nhà" cùng tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu hồ tiêu Chư Sê
31 | 12 | 2007
Thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể. Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, Phó chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khẳng định: Thương hiệu này là sản phẩm chung của "5 nhà": nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà báo cùng tham gia xây dựng và phát triển.
Trong nhiều năm qua, vai trò các nhà báo ở địa bàn Gia Lai có tầm quan trọng trong việc tuyên truyền và quảng bá sản phẩm tiêu Chư Sê, góp phần tạo bước "đột phá" về diện tích và chất lượng cho loại cây chủ lực này của huyện. Đến nay, toàn huyện Chư Sê có hơn 3.000ha hồ tiêu với sản lượng đạt khoảng 15.000 tấn, chiếm 20% sản lượng của cả nước (năng suất đạt bình quân 5 tấn/ha). Trên địa bàn có khoảng 8.000 hộ tham gia trồng tiêu, trong đó có 2.500 hộ là người dân tộc thiểu số và đã có 60% số hộ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật thâm canh đã cam kết. Bình quân mỗi năm, huyện đã xuất khẩu được hàng ngàn tấn tiêu chất lượng đến nhiều nước trên thế giới thông qua khâu chế biến tiêu sạch tại nhà máy. Sản phẩm tiêu trắng (tiêu sọ) và tiêu đỏ xuất khẩu tuy chưa nhiều, song đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng bởi tăng thêm giá trị cho một đơn vị sản phẩm (1,5 triệu đồng/tấn). Trong những năm tới, huyện Chư Sê phấn đấu mở rộng diện tích trồng tiêu lên 4.000ha với sản lượng ổn định từ 18.000 đến 20.000 tấn, trong đó sản xuất tiêu trắng nâng sản lượng từ 700 đến 1.000 tấn và hàng trăm tấn tiêu đỏ, lượng tiêu đen xuất khẩu chiếm 50%.

Để giữ vững và nâng cao vị thế của thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong việc sản xuất tiêu sạch, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.



Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường