Ở trong nước, huyện Chư Sê (Gia Lai) là vùng trọng điểm tiêu của cả nước, tuy diện tích nhỏ hơn Phú Quốc (chỉ khoảng 3.000 ha). Theo các nhà chuyên môn thì đây là nơi lý tưởng nhất để hình thành "vương quốc" tiêu của nước ta bởi điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm của người trồng nên chất lượng, năng suất đều cao... Bản thân cây tiêu cũng đã có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu kinh tế của địa phương và người nông dân. Thế nhưng cây tiêu còn có những khó khăn.
Loay hoay tìm thương hiệu
"Thương hiệu tiêu Chư Sê ra đời thì nó không chỉ là thương hiệu ở nơi đây mà là của Việt Nam" ông Nguyễn Dũng - Phó Chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khẳng định. Tuy nhiên cách xây dựng thương hiệu của các ngành chức năng lại đi vào ngõ cụt khiến cho chương trình này chậm trễ ít nhất là một năm và kèm theo đó là thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Tháng 6/2004 một chương trình lớn của Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam và tỉnh Gia Lai được triển khai nhằm xây dựng cho vùng thương hiệu hồ tiêu đầu tiên của Việt Nam và dự kiến đến giữa năm 2005 sẽ hoàn thành. Theo đó Hiệp hội cùng UBND huyện và Công ty Masecô-Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Công ty Phú Nhuận) sẽ cùng phối hợp làm. Nội dung được thực hiện từng bước rất rõ ràng như điều tra hiện trạng về sản xuất, thu hái, bảo quản; xây dựng quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản... và được đưa vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Tuy nhiên, vì huyện không có điều kiện (kinh phí) để xây dựng, quảng bá thương hiệu nên giao cho Công ty Phú Nhuận thực hiện và Công ty sẽ được quản lý thương hiệu khi thành công. Chính vì yếu tố này mà việc xây dựng thương hiệu bị đình trệ vì đây không phải là thương hiệu của một cá nhân (công ty) nào mà là của chính quyền, người dân Chư Sê nên đơn vị này không được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chấp nhận. Theo ông Nguyễn Dũng thiệt hại vì không có thương hiệu làm tiêu Việt Nam mất khoảng 35 triệu USD/năm và số tiền này lọt vào tay các nhà nhập khẩu nước ngoài vì phải xuất khẩu qua trung gian.
Tạo mối liên kết
Để giữ vững, nâng cao vị thế hồ tiêu của Chư Sê trên thế giới, kể cả khi có thương hiệu thì cần đẩy mạnh và thực hiện tốt việc "liên kết 4 nhà" (Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và khoa học) để đầu tư chuyển giao công nghệ từ khâu trồng trọt đến chế biến cho nông dân nhằm nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh trên thị trường.
"Không phát triển ồ ạt diện tích, đi vào sản xuất bền vững, trẻ hoá vườn cây là những định hướng cần thực hiện trong thời gian tới" ông Dũng khẳng định. Hiện tại, người trồng tiêu tại đây vẫn đang phạm rất nhiều "lỗi kỷ thuật" ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiêu. Cụ thể năng suất tiêu của Chư Sê hiện cao nhất nhì thế giới từ 5 đến 6 tấn/ha, cá biệt có nơi gần 9 tấn (các nước chỉ khoảng 2 tấn) làm chất lượng vườn cây suy kiệt (30% diện tích bị thoái hoá), tuổi thọ ngắn chỉ khoảng 10 năm, trong khi các nước lại hơn gấp đôi. Ngoài ra do nạn khai thác bừa bãi gỗ rừng về làm trụ tiêu, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái cũng làm ảnh hưởng vườn cây. Công nghệ sau thu hoạch như thế nào đúng, tốt cũng cần phải cung cấp cho người dân để mọi người biết, tiếp cận và thực hiện... từ đó sẽ có một quy trình sản xuất buộc người trồng tiêu phải thực hiện. Mặc dù hiện nay huyện đã có một nhà máy chế biến tiêu sạch của Công ty Phú Nhuận nhưng hộ trồng tiêu cần khoảng gần 200 triệu đồng để xây dựng một quy trình khép tín từ thu hái, phơi đến chế biến tiêu sạch tại nhà. Đây là nguồn kinh phí lớn đối với hộ nông dân nên rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền, doanh nghiệp.
Với mối liên kết này sẽ cho ra một giống tiêu mới mang thương hiệu Chư Sê với nhiều tính năng vượt trội như chất lượng sản phẩm tốt, kháng sâu bệnh hơn các loại đang dùng (giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh)... với nhiều loại sản phẩm hơn, không đơn lẻ chỉ tiêu đen, tiêu trắng hiện rất ít. Ngoài ra, để ổn định diện tích, tránh tình trạng phát triển vườn cây ồ ạt dẫn cây chết hàng loạt vì trồng ở những vùng đất trũng, gần suối dễ ngập úng hoặc đồi cao thiếu nước lại không đúng kỹ thuật như ở Nhơn Hoà hiện nay thì chính quyền, nông dân và các nhà chuyên môn cùng vào cuộc mới giải quyết được. Với thông tin hai chiều được duy trì theo hướng có lợi, nông dân sẽ tránh được tình trạng bán tiêu ồ ạt khi giá vừa nhích lên cũng như hạn chế việc đầu cơ tiêu của các nhà thu mua và bản thân các nhà chuyên môn cũng nắm được thông tin phản hồi từ nông dân về thực trạng vườn cây, hay tình trạng mua bán gian lận (trộn tiêu tươi vào để tăng cân...) từ đó có biện pháp phòng trừ.
Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội hồ tiêu thế giới, đây là điều kiện để chúng ta có tiếng nói tại các diễn đàn nhằm bảo vệ hồ tiêu của mình. Khi có một thương hiệu hồ tiêu, vị thế cạnh tranh của sản phẩm này sẽ càng trở nên vững mạnh./.
(Nguon tin: TTXVN)