Đối với các đơn hàng nhập khẩu của Mỹ thường là lớn vì đây là thị trường lớn và chi phí kinh doanh rất đắt nên có làm ăn lớn thì mới tồn tại được. Trong khi đó, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún, các cơ sở sản xuất thường là các công ty TNHH nhỏ, hợp tác xã và chủ yếu là hộ gia đình, nên rất khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng có số lượng tương đối lớn và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh.
Ngoài ra, sự hợp tác yếu kém vốn dĩ tồn tại giữa các doanh nghiệp cũng là một trở ngại đáng kể đối với việc liên kết sản xuất chia sẻ các đơn hàng xuất khẩu. Hơn nữa, quy mô sản xuất nhỏ và sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên chất lượng hàng hoá rất khó đồng đều.
Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, chưa quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường và sáng tạo mẫu mã phù hợp với từng thị trường mà chủ yếu dựa vào mẫu mã của người mua hoặc mẫu mã truyền thống có sẵn.
Dưới đây là một số biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mây tre lá, thảm, sơn mài vào thị trường Mỹ trong thời gian tới
Vì Trung Quốc không xuất khẩu nhiều mặt hàng sơn mài, nên đây là lĩnh vực Việt Nam có thể thâm nhập sang thị trường Mỹ, nhưng phải có mẫu mã phù hợp với thị trường.
Do không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của Trung Quốc, vì vậy hướng thâm nhập chủ yếu vào thị trường Mỹ của hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trong các năm tới là chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp với thị trường, và với số lượng nhỏ (điều này phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam) để đi vào các thị trường ngách của Mỹ. Tuy các thiết kế truyền thống kiểu châu Á và Trung Quốc vẫn có thể bán được ở thị trường Mỹ, song nhìn chung vẫn không phải là xu hướng tiêu dùng mạnh hiện nay.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm và thiết lập mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác Mỹ có khả năng thiết kế và tiêu thụ sản phẩm và đang cần tìm đối tác sản xuất ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đi khảo sát thị trường hoặc tham gia hội chợ hàng thủ cong mỹ nghệ và quà tặng ở Mỹ nên nhằm vào mục đích tìm kiếm các đối tác. Mục đích tham gia hội chợ là để giới htiệu khả năng sản xuất hơn là giới thiệu mẫu mã để khách hàng chọn mua và ký hợp đồng. Đồng thời, việc chọn tham gia hội chợ và trưng bày những gì doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với mục đích tham gia.