Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để cà phê Việt Nam được giá!
15 | 01 | 2008
- Nghề trồng, cung ứng, chế biến cà phê đã đưa hàng vạn hộ gia đình trên thế giới thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Việt Nam hiện cũng đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu vẫn thấp là do chất lượng hạt cà phê không bảo đảm.

Năm 2007 với giá trị hơn 1,5 tỉ USD, cà phê lại dẫn đầu về kim ngạch các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa, nếu như... bảo đảm chất lượng.
Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đưa ra dự báo niên vụ 2007 - 2008 sản lượng toàn cầu có thể đạt 112 triệu bao (bao 60kg) trong khi nhu cầu tiêu dùng là từ 118 - 200 triệu bao. Dẫn đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta, Việt Nam nỗ lực phát huy lợi thế tăng giá trị xuất khẩu cà phê.

Để giữ được tiếng thơm...

Nhu cầu tiêu dùng của thế giới ngày càng yêu cầu các loại thực phẩm không có dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng các chất hoá học từ phân bón. Đáp ứng nhu cầu này, tháng 5.2004, các thành viên của ICO đã nhất trí thông qua nghị quyết 420. Theo đó từ ngày 1.6.2004 các nhà xuất khẩu phải biểu thị trong khung 17 của tất cả các chứng chỉ xuất xứ các thông tin về chất lượng cà phê xuất khẩu với số lỗi và hàm lượng ẩm. Là thành viên của ICO, Hiệp hội cà phê Việt Nam (VICOFA) phải chấp hành quy định này.
Cà phê Việt Nam lâu nay được kiểm tra để xuất khẩu theo một tiêu chuẩn dựa trên tỷ lệ % của hạt vỡ, tạp chất, ẩm độ... ban hành từ 1993 là TCVN 4193-93, sau đó bổ sung thành TCVN:2001. Đến năm 2006 Bộ Khoa học công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê theo TCVN 4193:2005 có quy định rõ về mức dư lượng các chất hoá học. Tiêu chuẩn chất lượng cà phê này đã được ICO công nhận phù hợp với nghị quyết 420. Bộ Thương mại - nay là Bộ Công thương quy định kể từ 1.10.2007 (đầu niên vụ cà phê mới), tất cả các lô hàng cà phê Việt Nam trước khi thông quan đều phải có chứng nhận đã áp dụng TCVN 4193:2005. Nhà sản xuất phải tự nguyện ghi lên bao bì chứng chỉ xuất xứ về chất lượng.
Thế nhưng bắt đầu vào niên vụ xuất khẩu mới này, việc áp dụng tiêu chuẩn mới đã bị nhiều doanh nghiệp kể cả trong và ngoài VICOFA phản ứng. Nguyên nhân được nêu rõ là để đáp ứng theo tiêu chuẩn mới, các cơ sở chế biến phải thay đổi máy móc, quy trình thu mua. Hạt cà phê nhân thành phẩm như vậy phải có chi phí cao hơn. Trong khi đó, cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn cũ tuy có thể bị thải loại qua kiểm tra nhập khẩu ở các nước châu Âu có trình độ tiên tiến, nhưng bù lại vẫn có... nhiều nơi mua.

Cần một lộ trình thuyết phục

Ông Đoàn Triệu Nhạn, phó chủ tịch thường trực VICOFA là người tiên phong cổ vũ áp dụng tiêu chuẩn mới. Ông công nhận: do đặc điểm địa lý và thổ nhưỡng nên cà phê Robusta Việt Nam có hương vị thơm ngon hơn hẳn. Nên cho dù chưa đạt tiêu chuẩn mới, nhiều nơi vẫn mua với giá thấp để về tuyển lựa lại. Hạt chất lượng cao thì tái xuất cho các nước có nhu cầu chất lượng cao. Hạt vỡ, chất lượng thấp thì làm nền để pha trộn chế biến ra loại dành cho đại chúng. Nếu không áp dụng tiêu chuẩn mới thì một tấn cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn mãi mãi thấp hơn các nơi khoảng 30%. Trước mắt hiệp hội cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức cho 10 doanh nghiệp hàng đầu áp dụng tiêu chuẩn mới trước để làm nền cho việc tổ chức sản xuất rộng trong cả nước.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, phân tích nguyên do khó áp dụng tiêu chuẩn mới. Khi sản lượng còn ít, ở Tây Nguyên vụ thu hoạch cà phê bắt đầu tư tháng 10 và kết thúc sau Tết nguyên đán (tháng 2). Nhưng hiện nay phần lớn được kết thúc trong tháng 12. Nguyên do vì chờ quả chín toàn bộ phải tốn nhiều công sức trông coi, bảo vệ, thu hoạch nên nông dân đã hái tất cả các quả từ chín đến còn xanh luôn một lần. Một nhà vườn thu hoạch một lúc 15 - 20 tấn quả tươi/hecta thì không có sân phơi nào chứa đủ nên từ đó đã phát sinh sáng chế ra máy xát làm giập quả tươi để phơi cho mau khô (rút ngắn được 40% thời gian phơi) để đem chế biến ra hạt nhân. Thế nhưng đây là cách làm không nên khuyến khích vì khi xát giập, nhân cà phê dễ bị nhiễm nấm mốc, sinh ra độc tố ochratoxin, một tác nhân gây ung thư cho người tiêu dùng. Để chấm dứt tình trạng này, các nhà khoa học phải có nhiều nỗ lực: chế tạo nhiều máy chế biến cà phê theo các phương pháp chế biến khô, chế biến ướt với giá chấp nhận được. Song song đó là việc tổ chức sản xuất. Vùng trồng cà phê tập trung phải có diện tích sân phơi! Việc hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã trồng chế biến cà phê là phù hợp nhất.
Để giữ được tiếng thơm và làm tăng giá trị xuất khẩu cho cà phê Việt Nam, Cục Trồng trọt đang dự thảo một lộ trình áp dụng tiêu chuẩn mới mang tính thuyết phục. Trước mắt trong năm nay áp dụng ngay một số chỉ tiêu về khuyết tật có trị số lỗi cao nhưng dễ khắc phục như độ ẩm, tạp chất và không có hạt mốc. Niên vụ 2008 - 2009 bắt buộc áp dụng các chỉ tiêu còn lại của tiêu chuẩn mới. Từ tháng 10.2010 sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện đối với tất cả các lô hàng cà phê nhân xuất khẩu theo TCVN 4193:2005 trước khi thông quan.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường