Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bùng nổ Quỹ đầu tư phòng hộ có thật sự có lợi?
15 | 11 | 2007
Mới chỉ cách đây không lâu, các quỹ đầu tư phòng hộ giá vẫn chỉ là “sân chơi” riêng của một số ít người giàu có và là một khái niệm khá xa lạ với nhiều nhà đầu tư. Nhưng giờ đây, hầu như tất cả mọi người, từ các tổ chức đầu tư cho đến công chúng có năng lực về tài chính với số tiền ít nhất vào khoảng 10.000 USD đều muốn đầu tư vào các quỹ này.

Có thể nói, chưa bao giờ các Quỹ đầu tư phòng hộ giá lại trở nên thịnh hành như ngày nay. Trong nửa đầu năm nay, số tiền đầu tư vào các quỹ này trên toàn thế giới đã gấp đôi con số của cả năm ngoái. Tính đến thời điểm này, toàn thế giới đã có trên 6.000 quỹ đầu tư phòng hộ giá, quản lý một lượng tài sản trị giá trên 500 tỷ USD.

Tại châu Âu, các quỹ đầu tư phòng hộ giá được quảng cáo rộng rãi trên truyền hình. Ở Mỹ, mặc dù việc quảng cáo các quỹ này bị cấm nhưng chúng vẫn được quảng bá bằng cách truyền khẩu hoặc tại các buổi hội thảo do các nhà môi giới chứng khoán hoặc các ngân hàng tư nhân tổ chức. Làm nghề quản lý quỹ đầu tư phòng hộ giá đã trở thành một nét đặc biệt trong thị trường lao động nước Mỹ trong thời gian gần đây.

Liệu sự bùng nổ của các quỹ đầu tư phòng hộ giá có phải là một điều tốt?

Nhiều người cho rằng, lĩnh vực này giờ đây đã phát triển, thể hiện ở việc mỗi khi các loại tài sản khác như cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư mạo hiểm mất giá thì chứng chỉ quỹ đầu tư phòng hộ giá vẫn tỏ ra hấp dẫn đối với các nhà đầu tư hơn. Mặc dù loại hình quỹ này đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng cơ hội cho sự ra đời và phát triển của các quỹ mới vẫn được đánh giá là rất lớn. Theo con số thống kê, chỉ có khoảng 20% số người có số tiền nhàn rỗi lớn đầu tư vào các quỹ đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư phòng hộ. Thêm vào đó, cả chất lượng đầu tư lẫn việc quản lý rủi ro đang tiến bộ một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại cũng đang tỏ thái độ nghi ngờ. Họ chỉ ra nhiều quỹ đầu tư phòng hộ giá có chất lượng hoạt động thấp, đội ngũ quản lý quỹ thiếu kinh nghiệm hoặc thậm chí chỉ là những kẻ bịp bợm nắm cương vị lãnh đạo mà thôi. Họ cho rằng, rất khó có thể giám sát được hoạt động của các quỹ đầu tư phòng hộ giá và rất dễ xảy ra gian lận tại các quỹ này. Với một mức phí quản lý dành cho các nhà quản lý lên tới 20% mức tăng giá trị hàng năm của quỹ, rất có thể đây là động cơ thúc đẩy các nhà quản lý quỹ chấp nhận mạo hiểm một cách thái quá. Hơn nữa, hầu như không bao giờ nhà quản lý quỹ phải chịu bất cứ một hình thức phạt nào vì việc đã làm cho giá trị của quỹ bị giảm và nhà quản lý hoàn toàn có thể thu hẹp quy mô của quỹ để làm lại từ đầu. Khi tiền đổ vào các quỹ đầu cơ càng nhiều thì việc kiếm được các nhà quản lý quỹ có tài năng thực sự càng khó khăn và khả năng để kiếm được một cơ hội đầu tư tốt càng trở nên ít.

Barton Biggs, một nhà nghiên cứu chiến lược đầu tư dày dạn kinh nghiệm, đồng thời cũng là chuyên gia phát hiện những dấu hiệu bong bóng của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho rằng, cơn sốt quỹ đầu tư phòng hộ giá tại cả Mỹ và châu Âu chứa đựng đầy đủ những dấu hiệu của một “quả bong bóng” kinh điển. “Tôi có thể đoán chắc rằng rất nhiều quỹ đầu tư phòng hộ giá mới thành lập sẽ bị bùng nổ và các nhà đầu tư vào những quỹ này sẽ bị thiệt hại nặng”, ông nói.

Tất nhiên, phân tích này đã khiến một số đồng nghiệp của ông Biggs tại Morgan Stanley không lấy gì làm vui vẻ bởi cũng như các đối thủ tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, họ đang rất hào hứng trong việc mời chào các “cơ hội” đầu tư vào các quỹ phòng hộ giá tới những khách hàng “sộp”. Mặt khác, họ cũng rất hy vọng sẽ có thể cung cấp được những dịch vụ môi giới hoàn hảo cho các quỹ đầu tư. Tính chất “hai mang” của các nhà tư vấn đã khiến ông Paul Roye, Giám đốc bộ phận quản lý đầu tư của ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ phải đa ra lời cảnh báo rằng, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước cơn sốt quỹ đầu tư phòng hộ giá đang diễn ra.

Liệu thực sự có một bong bóng quỹ phòng hộ giá không?

Chắc chắn có rất nhiều nhà đầu tư để ý tới quỹ phòng hộ giá chỉ vì đây là một mốt đầu tư mới nhất mà thôi. Thêm vào đó, các nhà đầu tư dường như cũng muốn theo đuổi những công ty hoạt động tốt nhất trong quá khứ hơn là xem xét xem liệu những thành công trong quá khứ của các công ty có cho biết điều gì về những triển vọng trong tương lai của các công ty đó không.

Hãy xét trường hợp của các quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu của các công ty tiến hành sáp nhập. Các quỹ này thường đặt cược vào sự biến động của giá cổ phiếu của các công ty đã tuyên bố sáp nhập nhưng vẫn chưa tiến hành sáp nhập xong. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, những quỹ đầu tư loại này đã thu được những thành công nổi bật trong năm qua, với thị vốn tăng tới 17,1%. Do vậy họ đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư mới.

Tuy nhiên, thị vốn của các quỹ này chỉ tăng có 4,9%. Nhiều quỹ đầu tư đã mất khối tiền khi đặt cược vào vụ sáp nhập bất thành giữa GE và Honeywell. Bây giờ thì có rất nhiều vốn đầu tư mới đang tìm kiếm các quỹ đầu tư cho mức thu nhập trung bình khoảng 12-15%/năm trong 3 năm gần đây nhất và có mức biến động thị vốn thấp. Chỉ có gần 250 quỹ trong tổng số 6.000 quỹ phòng hộ giá đạt được những yêu cầu này. Có rất nhiều loại quỹ phòng hộ giá khác nhau, vì vậy rất khó có thể nói rằng sẽ có sự phá sản đồng loạt của các quỹ này.

Có khoảng một nửa trong số 6.000 quỹ phòng hộ giá nói trên áp dụng chiến lược nắm giữ cổ phiếu của một số công ty nhất định trong khi đó lại bán khống những loại cổ phiếu khác để giảm thiểu rủi ro. Không thiếu cổ phiếu để cho các quỹ đầu tư này đầu tư vào. Vì vậy, không việc gì phải lo lắng về việc những luồng vốn đầu tư mới sẽ thổi phồng một cách quá đáng quả bong bóng giá của các tài sản đầu tư được nhiều người ưa chuộng. Nhiều quỹ phòng hộ giá có thâm niên đã không tiếp nhận thêm các nhà đầu tư mới, vì vậy đã kìm hãm được phần nào sự tăng giá do các luồng đầu tư mới gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều quỹ phòng hộ giá không cỡng nổi sự cám dỗ của việc “phát triển quá to”. Do vậy, những quỹ này thường gặp khó khăn hơn trong việc đầu tư vốn một cách hiệu quả. Họ cũng thường gặp phải những vấn đề về mặt quản lý khi đội ngũ nhân viên của mình tăng lên. Trong cả hai trường hợp nói trên thì hiệu quả hoạt động của quỹ cũng sẽ giảm.

Rất nhiều khoản đầu tư mới vào các quỹ phòng hộ giá, đặc biệt là các khoản đầu tư từ các quỹ tương hỗ, đi kèm theo các điều kiện, chẳng hạn nh: tính minh bạch cao hơn và có bằng chứng để chứng minh rằng việc quản lý rủi ro diễn ra tốt. Cũng có khi các nhà đầu tư hướng tới các quỹ có công tác phân tích cổ phiếu nghiêm ngặt hơn. Nếu thu nhập kém thì có thể sức ép cắt giảm mức “thưởng vợt mức kế hoạch” cho các chuyên gia quản lý quỹ sẽ tăng lên. Hiện tại có những quỹ trả mức thưởng tới 50% của phần vượt.

Tóm lại, dù bong bóng quỹ đầu tư phòng hộ giá có nổ hay không thì có một điều chắc chắn rằng các quỹ đầu tư loại này trong tương lai sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn so với thời gian gần đây. Mặc dù người ta vẫn tin rằng các quỹ phòng hộ giá sẽ hoạt động tốt hơn cả so với các loại quỹ đầu tư khác tại một thị trường giá xuống nhưng có rất ít bằng chứng để chứng minh cho điều này. Các quỹ phòng hộ giá đã hoạt động rất tồi tệ khi thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào thời kỳ ảm đạm hồi những năm 70. Và thậm chí nhiều quỹ đã phá sản.


Báo cáo phân tích thị trường