Ông có thể cho biết mục đích chính của cuộc hội thảo này?
- Đây là dịp kỷ niệm 1 năm Việt Nam gia nhập WTO. Khi tham gia vào WTO, tất cả các DN đều phải nâng cao tính cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Vì vậy chúng tôi đã quyết định chọn chủ đề "Xây dựng thương hiệu trong thời kỳ hội nhập WTO" làm chủ đạo cho hội thảo lần này.
Hiện nay, IDT đang xây dựng và triển khai dự án GSO-Ecom. Đây là một sàn giao dịch thương mại điện tử với các tiện ích kết nối doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) và người tiêu dùng - người tiêu dùng (C2C). Để phát triển sàn giao dịch này, ngoài việc tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các tiện ích kỹ thuật của trang web: www.gso-ecom.com, chúng tôi còn cung cấp cho khách hàng thông tin, kiến thức về kinh doanh và hình thức hội thảo là một trong các hoạt động được chúng tôi tổ chức thường xuyên. Tại hội thảo lần này, các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ của GSO-Ecom không những được tiếp nhận thông tin, kiến thức về kinh doanh từ các chuyên gia mà còn có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với nhau. Qua đó họ có cơ hội quảng bá doanh nghiệp của mình và tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Muốn cạnh tranh sau khi đã hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, các doanh nghiệp cần sáng tạo hình ảnh thương hiệu của mình. Quan điểm của ông xung quanh vấn đề này như thế nào?
- Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, tự do thương mại, tài chính và thông tin ngày càng phát triển thì cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Thương hiệu chính là một công cụ cạnh tranh quan trọng nhất. Một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh sẽ có nhiều cơ hội không chỉ tiêu thụ sản phẩm, mà còn thu hút nguồn nhân lực, tài chính trên một thị trường toàn cầu rộng lớn để phát triển và ngược lại, các doanh nghiệp không xây dựng được thương hiệu sẽ rất khó có khả năng tồn tại. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần ý thức được vấn đề này và có chiến lược đầu tư xây dựng thương hiệu đúng đắn.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn nhưng lại có ít thời gian để lựa chọn nên yêu cầu của họ về sản phẩm không chỉ dừng lại ở chất lượng, giá trị sử dụng mà còn ở hình ảnh của thương hiệu đại diện cho sản phẩm đó. Vì vậy, muốn tiêu thụ được sản phẩm của mình, các doanh nghiệp cần có chiến lược thương hiệu rõ ràng hoặc quyết tâm xây dựng một thương hiệu mạnh và phân bổ nguồn lực (nhân sự, tài chính) đáng kể cho hoạt động này; thậm chí liên minh với một thương hiệu mạnh khác.
Đứng dưới góc độ là công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, tư vấn và cung cấp các giải pháp thương mại điện tử cho cá nhân và DN, theo ông, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng được tính cạnh tranh của mình thông qua mảng quảng bá thông tin trong thời kỳ "số hóa"?
- CNTT và đặc biệt là Internet đang phát triển như một sự bùng nổ và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống và kinh doanh. Internet đã tạo ra một môi trường kinh doanh không biên giới và đây là cơ hội phát triển "không của riêng ai". Các doanh nghiệp có thể bắt đầu ứng dụng Internet vào hoạt động kinh doanh của mình thông qua các hoạt động quảng bá thông tin. Hiện nay, quảng cáo thông qua Internet có chi phí thấp hơn rất nhiều so với các phương tiện truyền thông khác. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp cần ý thức được đặc thù riêng của người sử dụng Internet. Có thể nói, cư dân mạng là những người bị quá tải về thông tin; vì vậy, để gây được sự chú ý đối với họ, doanh nghiệp cần có ý tưởng sáng tạo trong nội dung thông điệp cần truyền tải.
Ngành quảng cáo nói chung đòi hỏi sự sáng tạo, quảng cáo trên mạng Internet càng đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn. Nếu quảng cáo chỉ là một thông điệp thiếu yếu tố hấp dẫn thì sẽ bị chìm rất nhanh trong một biển thông tin tràn ngập. Ngược lại, nếu thông điệp quảng cáo được thiết kế với các yếu tố sáng tạo và thu hút có thể gây ra một hiệu ứng lan truyền từ người này sang người khác thông qua mạng Internet với một tốc độ rất nhanh và doanh nghiệp có thể nhận được những lợi ích to lớn với chi phí cực thấp. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã có website và sẵn sàng chi phí không nhỏ cho việc thiết kế, duy trì và cập nhật thông tin. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp sử dụng website hiệu quả do chưa ý thức được vấn đề quảng bá trên mạng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, doanh nghiệp cần có nhân sự hiểu biết về Internet marketing hoặc sử dụng dịch vụ của các công ty chuyên về lĩnh vực này. Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) cần nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng Internet vào hoạt động kinh doanh, đầu tiên là trong các hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu. Thông qua Internet, các doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến thuật "marketing du kích" bằng các ý tưởng sáng tạo để lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, từng bước tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.
Xin cảm ơn ông!