Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vốn ADB giúp chè Tuyên Quang phát triển bền vững
15 | 02 | 2008
Với 88 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sau 6 năm (2002-2007) các hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh chè ngoài quốc doanh của tỉnh Tuyên Quang đã trồng mới được gần 550 ha, thâm canh 250 ha với các giống mới hiệu quả kinh tế cao như chè Bát Tiên, Đại Bạch Trà, LDP1...

Đặc biệt, mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm chè và tăng thu nhập cho người trồng chè đã đạt kết quả cao với giá bán sản phẩm chè xanh năm 2007 tăng 30% so với năm 2006; giá thu mua nguyên liệu năm 2007 bình quân từ 2.600 đồng đến 3.000 đồng/kg búp tươi, cao hơn 400 đồng đến 700 đồng/kg so với trước; doanh thu từ cây chè của các vùng dự án tăng lên bình quân trên 10% trong 2 năm trở lại đây.

Dự án đầu tư phát triển cây chè từ nguồn vốn của ADB triển khai từ năm 2002 đến hết năm 2007 nhằm nâng cao giá trị hàng hoá, cải tạo đất bạc màu, cải thiện môi trường sinh thái và tăng thu nhập cho người làm chè. Đối tượng của dự án là hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh chè ngoài quốc doanh, chủ yếu ở 3 vùng nguyên liệu chè tập trung là Yên Sơn, Sơn Dương và Hàm Yên. Theo ông Nguyễn Đình Phòng, Phó trưởng Ban quản lý dự án phát triển chè (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tuyên Quang), ban đầu ADB dự định giải ngân 11 tỷ đồng trong 6 năm. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất, hộ làm chè và các đơn vị đã vay tới 88 tỷ đồng, tăng 8 lần so với kế hoạch.

Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Mỹ Bằng (Yên Sơn), năm đầu tiên sau khi có nguồn vốn vay này doanh thu đạt 2,15 tỷ đồng, lợi nhuận 108 triệu đồng; năm thứ 2 doanh thu đạt 5,3 tỷ đồng, lợi nhuận 265 triệu đồng. Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương) vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến công suất 10 tấn búp tươi/ngày, năm 2007 đi vào hoạt động, doanh thu 5 tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong 6 năm thực hiện dự án, gần 15.000 lượt người ở 3 huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương được tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc mới, trong đó có gần 4.400 người là đồng bào dân tộc thiểu số; phục hồi thâm canh 1.645 ha chè, nhiều vườn chè đạt năng suất từ 15 tấn đến 20 tấn/ha. Ngoài ra, người làm chè thường xuyên được cập nhật thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và giá cả thị trường chè trong nước và trên thế giới để định hướng phát triển.

Nguồn vốn ADB đã góp phần đưa diện tích chè toàn tỉnh đạt gần 7.100 ha, tăng 2.200 ha so với năm 2001. Năng suất vườn chè năm 2007 bình quân toàn tỉnh đạt 72,5 tạ/ha; sản lượng đạt 43.183 tấn chè nguyên liệu; tổng sản phẩm chè chế biến đạt hơn 7.700 tấn. Cơ cấu giống chè mới hiệu quả cao như Bát Tiên, Đại Bạch Trà, LDP1, LDP2 tại 3 huyện lên trên 1.000 ha, chiếm 16,7% diện tích. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về chế biến, sản phẩm chè gắn với nhu cầu thị trường, đã nâng tỷ lệ chè xanh từ 20% năm 2001 lên 65% năm 2007. Nguồn vốn ADB cũng đã giúp mở rộng mô hình sản xuất chè an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học, tăng lượng phân bón hữu cơ, tăng khả năng kháng chịu sâu bệnh trên chè, áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. Nhờ đó, mặc dù các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm duyệt khá gắt gao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng sản phẩm chè xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài của Tuyên Quang chưa có lô hàng nào phải trả lại./.



Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường