Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Ôxtrâylia
18 | 02 | 2008
Là thị trường nhập khẩu rất nhiều cá philê đông lạnh, cá tươi... người tiêu dùng Ôxtrâylia rất thích dùng cá thịt trắng. Vì thế cá tra, basa của Việt Nam trở thành mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn bởi đáp ứng được những tiêu chí về khẩu vị, thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu hướng tiêu thụ thủy sản nhập khẩu tại thị truờng Ôxtrâylia đang ngày một tăng. Theo Bộ Thủy sản, mỗi năm Ôxtrâylia phải NK tới 50% lượng thủy hải sản cho tiêu dùng nội địa.

Ôxtrâylia - thị trường NK thủy sản đầy tiềm năng

Trong những năm gần đây, xu hướng tiêu thụ thủy sản nhập khẩu tại thị truờng Ôxtrâylia đang ngày một tăng. Theo Bộ Thủy sản, mỗi năm Ôxtrâylia phải NK tới 50% lượng thủy hải sản cho tiêu dùng nội địa. Trong 5 năm tính đến năm 2005 - 2006, giá trị nhập khẩu thủy sản của Ôxtrâylia tăng 8% lên 1,26 tỷ AUD (1,06 tỷ USD).

Tính đến tháng 10/2007, New Zealand, Nam phi, Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á đang là những quốc gia cung cấp thủy sản lớn nhất cho Ôxtrâylia. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc sang Ôxtrâylia tăng mạnh trong những năm gần đây.

Trong 5 năm kể từ năm 2002 - 2006, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ôxtrâylia không ngừng tăng trưởng và đã tăng hơn 4 lần từ 29,24 triệu USD năm 2002 lên 126,5 triệu USD năm 2006. Về khối lượng, XK thủy sản sang thị trường này cũng tăng hơn 4 lần từ 6.077 tấn lên 24.303 tấn.

Các mặt hàng thủy sản chính xuất khẩu sang Ôxtrâylia trong những năm qua gồm: tôm đông lạnh, cá tra, basa, mực, bạch tuộc, cá đông lạnh, cá ngừ, hàng khô và các hải sản khác, trong đó tôm đông lạnh luôn đứng đầu về giá trị, tiếp đến là cá tra, basa, cá đông lạnh và các sản phẩm khác.

So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Ôxtrâylia năm 2006 đã tăng 11,7% về khối lượng và 30,7% về giá trị. Năm 2006, Ôxtrâylia là một trong top 10 thị trường NK thủy sản lớn của Việt Nam; trong đó, tôm đông lạnh chiếm hơn 44% cơ cấu mặt hàng. Khoảng 60 DN thủy sản XK sang Ôxtrâylia, với kim ngạch đạt khoảng 60 - 70 triệu USD.

8 tháng đầu năm 2007 - XK thủy sản sang Ôxtrâylia tăng chậm lại

8 tháng đầu năm 2007, trước áp lực từ việc áp dụng quy định mới đối với thủy sản nhập khẩu của Ôxtrâylia, đặc biệt với sản phẩm tôm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có phần chững lại, mặc dù vẫn đạt tăng trưởng 9,8% về lượng và 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2006.

XK tôm tăng 2,6% về lượng và 14,4% về giá trị, đạt 4.668 tấn, trị giá 45,44 triệu USD. XK hàng khô sang Ôxtrâylia giảm mạnh nhất, giảm 32,3% về lượng và 29,3% về giá trị, XK mực, bạch tuộc giảm 5,2% về lượng nhưng vẫn tăng 6,1% về giá trị so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2007, trong khi kim ngạch XK thủy sản chung của cả nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng thì XK sang thị trường này lại giảm tới 43,9% về lượng, 51,33% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kể từ đầu năm đến hết tháng 5/2007, XK thủy sản của Việt Nam sang Ôxtrâylia liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2006. Tháng 5 là tháng có tốc độ giảm nhiều nhất (64,2% về lượng và 74% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006). Hầu hết các mặt hàng XK sang Ôxtrâylia giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ mặt hàng cá tra, basa tăng chút ít.

Nếu như năm 2006, Việt Nam XK tới trên 30 nhóm hàng thủy sản, thế nhưng năm 2007 chỉ còn XK là 11 nhóm mặt hàng. Các mặt hàng đông lạnh gồm: cá, tôm, bạch tuộc, mực và chả cá vẫn là những mặt hàng XK chính.

Trong đó, tôm đông lạnh chiếm 30,8% về khối lượng và 55,7% về giá trị, cá tra, basa chiếm 45,6% về lượng và 27,8% về giá trị, mực bạch tuộc đông lạnh chiếm 3,2% về cả khối lượng và giá trị...

Xuất khẩu các mặt hàng đều giảm hoặc tăng chậm lại so với năm trước, trừ cá tra, basa và đặc biệt là cá ngừ có sự tăng trưởng đột biến với 154,3% về lượng và 126% về giá trị, mặc dù cá ngừ chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể (0,9% giá trị) trong tổng xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường này.

Mặt hàng lợi thế

Là thị trường NK rất nhiều cá philê đông lạnh, cá tươi... người tiêu dùng Ôxtrâylia rất thích dùng cá thịt trắng. Vì thế cá tra, basa của Việt Nam trở thành mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn bởi đáp ứng được những tiêu chí về khẩu vị, thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

8 tháng đầu năm 2007, XK cá tra của Việt Nam sang Ôxtrâylia tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2006, đạt 6.915 tấn, trị giá 22,698 triệu USD, tăng lần lượt 19,7% và 31,9%. Giá XK trung bình cũng tăng hơn so với năm ngoái khoảng 0,4 USD/kg đạt khoảng 3,28 USD/kg. Dự kiến giá xuất khẩu trung bình cá tra, basa sang thị trường này trong thời gian tới sẽ ổn định ở mức 3,5 USD/kg.

Tính đến tháng 10/2007, Việt Nam có khoảng 71 DN thủy sản XK sang Ôxtrâylia. Ðứng đầu là Công ty TNHH Thuận Hưng, Công ty cổ phần XNK Thủy sản An Giang, Công ty TNHH Vĩnh Hoàn. Ðây là những DN XK cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam.

Hiện tại dù thuế XK thủy sản Việt Nam sang Ôxtrâylia ở mức 0%, là lợi thế khá lớn để hàng thủy sản của nước ta nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường này, song thực tế thì 8 tháng năm 2007, XK thủy sản sang thị trường này có phần chững lại.

Ðiều đó đặt ra cho các DN XK thủy sản một nỗ lực rất lớn, nhất là Ôxtrâylia là một thị trường NK đòi hỏi khắt khe về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và mẫu mã sản phẩm, bao bì và thời gian giao hàng. Các thông số ghi trên bao bì như xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, ngày đóng gói hạn sử dụng phải được in rõ và dễ nhận biết.

Gần cuối năm 2007, Ôxtrâylia quyết định thực thi nghiêm ngặt việc hạn chế NK bằng biện pháp phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) đối với tôm và sản phẩm tôm. Theo đó, các cơ quan chức năng Ôxtrâylia sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ 5 loại dịch bệnh: virus đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng taura, virus bệnh hoại tử dưới vỏ (IHHN) và bệnh viêm gan tụy hoại tử (NHP) và chỉ NK tôm của các nước không có những dịch bệnh này.

Ðây sẽ là một rào cản lớn đối với mặt hàng tôm đông lạnh của VN xuất sang thị trường này. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh và vấn đề dịch bệnh đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của mình để giữ vững và phát triển thị phần ở thị trường tiềm năng này.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường