Nguy cơ giẫm chân tại chỗ
|
Hàng dệt may xuất khẩu luôn phải đối mặt với những tranh chấp thương mại - Ảnh: Minh Quân |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ giẫm chân tại chỗ về KNXK. Đó là cảnh báo của Bộ Công Thương đưa ra mới đây.
Theo Bộ này, do hạn chế về diện tích, thời tiết, nguồn nước, năng suất và cả về thị trường nên KNXK một số mặt hàng nông sản, lâm thủy sản không có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2008, thậm chí một số mặt hàng đã đến ngưỡng nếu không có những biện pháp tích cực.
Một số mặt hàng có KNXK tăng trưởng thấp hoặc giảm như chè, cà phê, nhân điều và cao su. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do ảnh hưởng thời tiết, mùa vụ thu hoạch điều niên vụ 2008 chậm hơn một tháng so với năm trước. Hiện sản lượng điều cho thu hoạch mới khoảng 10% và chất lượng kém hẳn so với mùa vụ trước.
Nhiều nhà máy, DN đang thiếu nguyên liệu điều chế biến để giao hàng xuất khẩu đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký từ trước. Chi phí đầu vào trong khâu chế biến dự đoán rất cao, trong đó giá nguyên liệu điều thô nhập kho (khoảng 950 đến 1.000 USD/tấn) và chi phí nhân công đều cao hơn khoảng 20-30%, cộng với lãi suất ngân hàng tăng, nên các DN chế biến xuất khẩu điều sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù thừa nhận KNXK hàng Việt Nam tăng mạnh tại thị trường Nhật Bản trong những năm qua, song ông Vũ Văn Trung- Tham tán thương mại (TTTM) tại Nhật Bản vẫn không quên cảnh báo: DN phải thay đổi cơ cấu và mở rộng ngành hàng xuất khẩu sang Nhật.
Vì rằng, “nếu chỉ bó hẹp ở các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, may mặc và dày dép như lâu nay thì sẽ khó mà tăng được KNXK trong thời gian tới”- ông Trung nói. Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Thoan - TTTM tại Hoa Kỳ, các DN làm ăn với thị trường EU và Hoa Kỳ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ bị kiện bán phá giá.
Và trong tháng 2 này, Hoa Kỳ đã chính thức khởi kiện đối với lò xo không bọc nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ chế giám sát hàng dệt may tại Hoa Kỳ vẫn chưa được dỡ bỏ. “Đây là hai rào cản lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam”- ông Thoan nói. Không chỉ như thế, theo các chuyên gia, đó còn là “thảm họa” của DN khi vướng phải tranh chấp.
Với hai vụ kiện cá tra và tôm trước đây của Hoa Kỳ, do bị xử thua và phải chịu mức thuế chống bán phá giá 44,6%-63,8% (đối với cá) và 4,1%-25,7% (đối với tôm) nên hiện các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đang phải nộp hàng triệu đôla Mỹ tiền thuế mỗi năm.
TTTM tại Bỉ Trần Trung Trực lại lo lắng về một phương diện khác. Ông nói: khi tiến hành điều tra chống bán phá giá, các nước EU không sử dụng tài liệu kế toán của DN Việt Nam để xem xét vì chế độ kế toán của DN Việt Nam vẫn chưa theo chuẩn mực quốc tế.
Điều đó cũng có nghĩa các nước khởi kiện sẽ đơn phương quyết định việc áp thuế chống bán phá giá và “phần thắng” sẽ thuộc về họ. Ngay cả khi Việt Nam được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ thì DN Việt Nam vẫn còn vấp phải khó khăn này nếu chưa có sự thay đổi chế độ kế toán thích hợp.
Tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao
Thay vì…ngồi chờ sung rụng, tức thụ động chờ khách hàng tìm đến như trước, hiện nhiều DN Việt Nam đã chủ động tìm biện pháp mở thị trường ngoài nước. Ông Trần Đức Mạnh - Giám đốc Cty chế biến và xuất khẩu gỗ Sadaco cho biết hiện Sadaco đang đàm phán để đầu tư thông qua một DN tại Úc.
“Thực chất của việc đầu tư này là để mua lại hệ thống phân phối của DN này tại thị trường Úc thay vì phải bắt đầu từ con số 0”- ông Mạnh tiết lộ, đồng thời cho biết thêm thay vì chỉ đơn thuần xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác như trước đây, hiện Sadaco đang chuyển dần sang hướng phát triển thị trường ngoài nước thông qua hệ thống phân phối của chính mình.
Hai năm trước, Sadaco đã bắt đầu thử nghiệm kế hoạch bằng việc liên kết với các DN Việt kiều để phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh xuất khẩu tại Hoa Kỳ, bao gồm việc hình thành các kho, trung tâm thương mại và hệ thống đại lý chuyên bán đồ gỗ Sadaco tại nhiều địa phương.
Kết quả, theo ông Mạnh, Sadaco không những nâng cao được kim ngạch xuất khẩu mà còn tránh được tình trạng bị động tại thị trường lớn này. Cũng theo ông Mạnh, không riêng Sadaco, hiện có nhiều DN khác cũng đang phát triển thị trường ngoài nước bằng phương thức tương tự và đạt được những thành công bước đầu.
Khi gặp trở ngại tại thị trường Hoa Kỳ, nhiều DN đã chuyển hướng sang các thị trường khác để giành quyền chủ động. May Việt Tiến là một trong số đó, công ty này đã chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản và đã nâng KNXK vào thị trường này từ 11% lên 28% trong tổng số KNXK của Cty trong năm 2007.
Xu hướng chung của các DN hiện nay là tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc làm “hàng độc” để phục vụ người tiêu dùng khó tính, có tiền thay vì làm “hàng chợ” đại trà như trước.