Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống dịch tại vùng tâm dịch lợn tai xanh
09 | 04 | 2008
Dịch bệnh tai xanh trên lợn xuất hiện ở Nghệ An đang làm cho các hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh như ngồi trên "đống lửa", còn cán bộ thú y và lãnh đạo địa phương thì "hoa mắt, mệt đầu".
Chống dịch như "cứu hỏa"

Ba ngày nay, ngày cũng như đêm, anh Nguyễn Thọ Bốn, Trạm trưởng trạm thú y huyện Diễn Châu và các cán bộ khác của trạm thú y huyện liên tục phải chạy ra, chạy vào 2 xã xuất hiện dịch đầu tiên của tỉnh là Diễn Nguyên và Diễn Quảng. Mệt mỏi do đi lại nhiều lại phải thức đêm, mất ngủ, nhưng khi nói về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh trên lợn, anh vẫn tỏ ra hào hứng. Anh Bốn cho biết, Diễn Châu không phải là vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, cũng không giáp ranh với Thanh Hóa hay Hà Tĩnh nhưng dịch bệnh vẫn "đến"!. Điều đó cho thấy, không riêng Diễn Châu mà các địa phương khác trong tỉnh, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất cao nên không thể lơi là, chủ quan.

Tại xã Diễn Nguyên, ông Ngô Sỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: sáng 6/4, ngay khi biết kết quả xét nghiệm của ngành thú y Nghệ An thông báo dịch bệnh tai xanh xuất hiện trên mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn lợn nhà anh Ngô Văn Thất, xóm 4, xã đã huy động ngay lực lượng tỏa đi các xóm trong xã để bao vây, dập dịch; thuê người đào hố sâu 3,5 m, rộng trên 16 m2 cách xa khu dân cư để tiêu hủy lợn; tất cả các tuyến đường tại vùng có dịch đều được rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng. Những ngày qua, tất cả đàn lợn nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh trên địa bàn xã đã được tiêu hủy. Đối với nông dân Diễn Nguyên, chưa năm nào thiệt hại lớn về gia súc như năm nay vì cũng một lúc, 188 con lợn của 156 hộ bị tiêu hủy và số lợn tiêu hủy còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Thật sự buồn vì thiệt hại, nhưng nói như ông Ngô Sỹ Hạnh, Chủ tịch xã là "Biết làm sao được, xã và ngành thú y phải kiên quyết tiêu hủy thôi, có như vậy mới dập được dịch".

Cách đó không xa, xã Diễn Quảng là điểm thứ 2 của tỉnh bị dịch bệnh tai xanh cũng đã nhanh chóng triển khai lực lượng để bao vây, dập dịch và đến nay, chỉ riêng xóm 4 đã tiêu hủy 38 con lợn của 10 hộ. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tại những xã xuất hiện dịch bệnh tai xanh trên lợn, UBND xã và ngành thú y cử người trực 24/24 giờ, nghiêm cấm triệt để việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào vùng có dịch.

Vẫn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh

Ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Chi cục thú y Nghệ An cho biết: trong những ngày qua ngành thú y Nghệ An đã huy động cao nhất lực lượng, phương tiện phối hợp cùng chính quyền các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bị bệnh và nghi bị bệnh; phối hợp với cảnh sát giao thông chốt chặn tại các tuyến đường ra vào tỉnh, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh để kiểm tra, xử lý kịp thời những vụ vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Tuy triển khai kịp thời các biện pháp nhưng hiện nay, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Tại Nghệ An, những nơi được ngành thú y "khoanh vùng" là các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh (là những địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh), huyện Quỳnh Lưu (là địa phương giáp ranh với Thanh Hóa) và các huyện nằm trên tuyến quốc lộ 1A, như Nghi Lộc, Diễn Châu. Sỡ dĩ đây là những địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh vì ngoài "thuận tiện" về giao thông, có đường sông, đường thủy, đường sắt đi qua còn do tâm lý chủ quan của người dân trong sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Bằng chứng là trong những ngày qua, tuy có dịch nhưng thịt lợn vẫn "vô tư" bày bán tại những nơi nằm cách không xa vùng có dịch là mấy, kể cả bán bên vệ đường, cạnh ao hồ, một bên là rác, trông rất mất vệ sinh.

Tỉnh Nghệ An đang quyết liệt phòng chống dịch. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là thói quen và tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch của người dân vẫn tồn tại, không chỉ khi có dịch bệnh tai xanh trên lợn mà trước đây với nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng vậy. Trong khi đó, một số đối tượng vẫn lén lút ra vào vùng có dịch dò hỏi, để khi có cơ hội là mua lợn từ vùng có dịch đem đi nơi khác tiêu thụ. Ông Hồ Sỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết, đề phòng kẻ xấu đến đào lợn chết đem về giết thịt mang đi nơi khác tiêu thụ, trong những ngày này xã phải cử người trực 24/24 giờ tại điểm đã chôn, tiêu hủy lợn cho đến khi nào lợn thực sự phân hủy mới thôi "canh gác".

"Cuộc chiến" phòng chống dịch bệnh tai xanh trên lợn ở các tỉnh miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ còn kéo dài và thực sự không đơn giản. Dịch bệnh chỉ có thể dập tắt khi có sự đồng thuận, cùng vào cuộc quyết liệt không chỉ của chính quyền địa phương, ngành thú y mà còn của cả người dân./.



Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường