Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tại sao giá thịt lợn không giảm?
27 | 03 | 2008
Có thể dễ dàng nhìn thấy biện pháp hỗ trợ các DNNN hoạt động trong lĩnh vực thương mại để bình ổn giá cả thị trường là không khả thi, từ việc thịt lợn vẫn tăng giá.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên có phần do các đơn vị được hỗ trợ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nên họ không thể tránh được tình trạng giá cả tăng do nguồn cung cấp hàng tăng giá.

Thử nhìn Metro Cash & Carry Việt Nam kinh doanh theo dây chuyền khép kín. Mỗi trung tâm Metro này đều được chọn địa điểm và xây dựng trên cơ sở gắn kết với các hoạt động nông nghiệp trong vùng. Metro đã tiến hành hàng chục dự án để huấn luyện các nhà cung cấp.
Tính từ năm 2002 đến nay, Metro đã tập huấn và hỗ trợ cho 18.000 hộ nông dân, nhà bán lẻ các công nghệ, kỹ thuật và các phương thức quản lý chất lượng, ký hợp đồng thu mua với giá ổn định. Với cách làm này, Metro phần nào ổn định được nguồn hàng bất kể giá cả thị trường lên xuống, và định được một mức giá bán ra khá ổn định.
Một cách làm khác là của CP group – nhà cung cấp cho thị trường TP.HCM sản lượng thịt heo lớn nhất hiện nay. Bình quân mỗi ngày CP đưa ra khoảng 1.500 con lợn (trung bình 90kg/con), trong đó có khoảng 100 con được cung cấp cho Vissan; cung cấp 40 tấn thực phẩm chế biến, 20.000 con gà cho toàn bộ hệ thống Co.opmart và các nhà hàng thức ăn nhanh như Kentucky, Lotteria... Kênh phân phối chính của CP vẫn là hệ thống các siêu thị, cửa hàng CP Freshmart, CP shop.

Hiện CP đang quản lý đàn heo gồm 50.000 lợn nái và 1 triệu lợn con.

Chăn nuôi lợn, CP group thực hiện chủ yếu bằng hình thức gia công với hộ nông dân. CP cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi... thu mua sản phẩm, thanh toán tiền nuôi gia công theo kết quả chăn nuôi của hộ gia công. Và cũng chính vì vậy, CP chủ động được nguồn hàng và giá cả.

Trong lúc đó, Vissan vẫn phải thu gom lợn hơi trên thị trường. Và khi thị trường lên giá, nguồn hàng khó khăn như khi lợn hơi bị gom bán qua Campuchia như hiện nay, họ không có nguồn hàng (từ chăn nuôi) để bù vào sự thiếu hụt. Do không có hoạt động chăn nuôi, cũng như không có sự gắn kết chặt chẽ với nông dân, họ không có nguồn hàng ổn định, và phải mua vào với giá theo thị trường.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường