Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc công ty TNHH Thành Đạt (quận 12, TP HCM) hào hứng cho hay: Từ hơn nửa tháng nay, giá trị của những hợp đồng khách hàng thanh toán tự nhiên được tăng thêm hơn 1%.
"Đó là nhờ giá đôla bán ra liên tục leo dốc. Số tiền chênh lệch từ việc quy đổi USD sang VND đã giúp doanh nghiệp có thêm vài chục đến cả trăm triệu đồng trên mỗi đơn hàng", ông Bình giải thích. Tình hình thuận lợi giúp cho công ty này đầu tư thêm một chuyền may với 18 máy và tuyển thêm hơn 20 nhân công.
Giám đốc một nhà máy chế biến nông sản ở Bình Phước, chuyên xuất khẩu nông sản thì nói, thoạt nhìn “khoản lợi vô hình” này có vẻ không lớn. Phải tính cả quý, cả năm, khi tổng giá trị của các hợp đồng lên đến cả triệu USD thì chênh lệch do tỷ giá là một số tiền khổng lồ.
"Đó là chưa tính đến USD tăng giá đã tác động tích cực đến các doanh nghiệp. Lúc này doanh nghiệp mới dám mạnh dạn ký kết những hợp đồng lớn, dài hạn, giúp ổn định hoạt động doanh nghiệp", ông này cho biết thêm.
Cùng với các đơn hàng dệt may, da giày, các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản phần lớn đều giao dịch bằng USD. Thậm chí, nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, điều, 100% hợp đồng xuất khẩu sang EU nhưng thanh toán trên hợp đồng vẫn là đô la Mỹ. USD tăng giá hay giảm giá doanh nghiệp lập tức nhận tác động.
Ông Lữ Ngọc Hùng - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở quận 8, TP.HCM cho biết: Cách đây chưa đến một tháng, hoạt động kinh doanh của công ty đang chồng chất những khó khăn vì cùng lúc phải đối mặt với hàng loạt áp lực: Tiền lương nhân công tăng, chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang...
Đúng lúc ấy, USD thu về từ các hợp đồng xuất khẩu bán không ai mua, hoặc có vất vả bán được cũng bị ép giá, bị thu phí 2-3%. Công ty đã phải cắt giảm gần 1/3 số công nhân vì không vay được tiền ngân hàng trả lương, trang trải chi phí sản xuất kinh doanh trước mắt.
"Vừa qua, một số khó khăn đã được giải quyết. Cùng với thuận lợi đồng đô la tăng giá, tình hình sản xuất kinh doanh dần dần ổn định và tăng tốc trở lại", ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, giá USD tăng sẽ làm tăng thêm gánh nặng với các nhà nhập khẩu. Tính chung, VN vẫn còn là nước nhập siêu. Ngay cả với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, phần không nhỏ nguyên liệu là nhập từ bên ngoài. Doanh nghiệp may mặc của ông Lữ Ngọc Hùng cũng phải nhập hơn 30% nguyên vật liệu sản xuất.
Thời điểm cuối tuần, tại các đại lý thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do TP.HCM, giá đô la bán ra vào khoảng 16.400 đồng một đô la. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND ở mức 16.100 đồng một USD.
Các tiệm vàng, điểm thu đổi ngoại tệ tại các khu vực chợ Tân Định, Chợ Bến Thành, Phạm Văn Hai mua vào - bán ra với giá không giống nhau, luôn có sự chênh lệch.
Cùng một thời điểm, giá USD mua vào - bán ra tại cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý Tân Định bán ra là 16.400-16.220 đồng một USD. Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Kiều Hạnh là 16.380-16.300. Một điểm thu đổi ngoại tệ khác lại niêm yết giá 16.280-16.380. Tiệm nào cũng cho biết là giá còn được bớt 100-200 đồng một USD nếu khách hàng mua số lượng lớn.
Chủ một cửa hàng vàng có thực hiện mua - bán ngoại tệ tại khu vực chợ Tân Định giải thích: "Giá đô đang biến động, nên tùy theo nhu cầu thu vào hay bán ra, mỗi tiệm sẽ tự điều chỉnh giá sao cho có lợi cho doanh nghiệp mình". Theo các đại lý thu đổi ngoại tệ, hiện it có doanh nghiệp nào dám "ôm" một lượng USD có giá trị lớn vì sợ giá sẽ còn biến động nữa.