Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân đi học... nghề nông
25 | 06 | 2008
Chỉ tay về phía ao dày đặc những cá trôi, mè đang nổi lên mặt nước đớp thức ăn rào rào, ông Tiến - một nông dân phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) - cười hể hả: "Được vụ cá như thế này là nhờ tôi đi học, được cô giáo truyền cách... tắm cho cá đấy!".
Cũng như ông Tiến, nhiều nông dân ở phường giờ đây cắp vở đi học... làm nông. "Trước kia, tôi cứ tưởng làm ruộng là nghề cha truyền con nối, nhưng khi đi học mới vỡ ra được nhiều cái hay. Đi học mới biết được những kỹ thuật mới, áp dụng cho công việc nhà nông có hiệu quả hơn" - ông Tiến nói.




Ảnh: Tuổi trẻ


Thầy giáo cũng biết đỡ đẻ cho bò!

100% nông dân được huấn luyện nghề

Theo tinh thần của nghị quyết phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, toàn bộ nông dân của Vĩnh Phúc được miễn thủy lợi phí, được hỗ trợ về giống cây trồng. Nông dân Vĩnh Phúc được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, tài liệu, tham quan học tập với mức cụ thể 10.000 đồng/ngày.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã mở được 86 lớp huấn luyện nghề ngắn hạn cho gần 4.000 lượt nông dân theo học với 12 chuyên đề chính như kỹ thuật chăn nuôi heo, bò sinh sản và bò thịt, quản lý kinh tế trang trại, vận hành và bảo dưỡng xe gắn máy, hướng dẫn sử dụng Internet... Nông dân được cấp chứng chỉ nghề qua lớp huấn luyện nghề. Theo mục tiêu của nghị quyết "tam nông", từ nay đến 2010, 100% nông dân trong toàn tỉnh sẽ được đi huấn luyện nghề.

Từ sáng sớm, hơn 30 nông dân đăng ký theo học nghề kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt đã lục tục kéo đến trụ sở HTX Hồng Châu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Có người còn đi chân đất, tay xách chiếc điếu cày để hút trong lớp học.

Lão nông Đỗ Gia Quý, 70 tuổi, lóng ngóng cầm chiếc bút bi và quyển vở mới, cười cười: "Lớp học đã được ba buổi rồi. Hôm đầu học được mấy chữ, hôm sau quên mất tiêu. Bà xã nhà tôi bảo: "Đi học mà không có vở thì hóa ra ông đi chơi à?". Tôi sai đứa cháu mua cho một cuốn. Hay thật, mình chịu khó ghi thì đọc lại cũng thấy đỡ quên những cái hay!".

Hôm đầu đi học, cả lớp hơi... chán vì thấy thầy giáo nhỏ tuổi quá, chưa đầy 30 tuổi, bằng tuổi cháu ông mà biết lên lớp dạy nghề nông. Đã thế thầy lại là người thành thị thì truyền kiến thức nông nghiệp sao nổi. Mấy ông già bà cả đã lắc đầu ngán ngẩm định... bỏ học.

Ngay buổi đầu tiên, khi cả lớp đang nghe giảng bài về cách chăn nuôi bò thì có đứa cháu đến gọi ông Quý về nhà gấp vì con bò cái nhà ông đang trở dạ, coi bộ là ca đẻ khó, có khi cả mẹ cả con chết không chừng. Cả lớp học nháo nhác. Thấy thế thầy giáo bảo: "Các bác cứ bình tĩnh, tôi cùng các bác về đỡ đẻ cho bò”. Ái chà, bàn tay cầm phấn của thầy giáo trông thế mà cứ thoăn thoắt, đỡ được con bê vàng óng ra khỏi bụng con bò mẹ. "Đúng là thầy giáo tài thật, đáng học quá!". Ông Quý và mấy lão nông thán phục. Hỏi ra mới hay thầy giáo có bằng kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại trại thí nghiệm của Trường cao đẳng Kỹ thuật - kinh tế Vĩnh Phúc.

Buổi sáng, các học viên đến lớp rồi từng người kể về cách thức chăn nuôi của gia đình mình, giảng viên tham gia góp ý rồi buổi chiều cả lớp kéo về tận nhà từng học viên để thăm và hướng dẫn thay đổi cách chăn nuôi, xây dựng chuồng trại sao cho vệ sinh, cho vật nuôi ăn thức ăn loại nào để mau lớn, tránh được dịch bệnh.

Làm nông phải học mới khá

Hôm cô giáo bảo có gì cứ hỏi, lão nông Đỗ Văn Tiến thắc mắc: "Thưa cô, tại sao đài và tivi cứ nói rằng mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) là hiệu quả, gia đình tôi áp dụng đúng như thế nhưng cá nuôi không lớn lên được, thậm chí có năm cá chết hàng loạt?". Sau khi dẫn cô giáo về nhà tham quan thực tế, ông Tiến "vỡ" ra một điều: chuồng nuôi lợn, nuôi bò, nuôi chim cút trên bờ của ông làm ô nhiễm cả ao cá. Phân của gia súc gia cầm có thể làm thức ăn cho cá, nhưng nước tiểu hay nước rửa chuồng không được thải thẳng xuống ao nuôi cá như gia đình ông đang làm hiện nay.

Khoa "huấn luyện nghề" cho nông dân

Để phục vụ chương trình "tam nông" của Vĩnh Phúc, Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc đã thành lập thêm hẳn một khoa "huấn luyện nghề" cho nông dân với hơn 20 giáo viên thành thục kỹ thuật, đồng thời dành hẳn một trại thí nghiệm qui mô lớn tại Tam Đảo để thực hành áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho bà con nông dân.

Ông Tiến đã áp dụng thay một đường ống nước thải của dãy chuồng về một bể sâu đào cạnh vườn và tận dụng làm hệ thống biogas. "Quả thật là nhất cử lưỡng tiện. Vừa nuôi được cá lại có gas xài" - ông Tiến cười hể hả.

Ông Tiến cho biết thêm năm nay ông hơn 50 tuổi, nuôi cá từ năm 16 tuổi nhưng đời ông chưa thấy ai bảo "tắm cho cá” bao giờ. Cô giáo hướng dẫn để phòng bệnh cho cá, ngay từ khi mua cá giống về thả phải tắm cá giống trong một bồn nước với tỉ lệ 3% muối, thời gian 15 phút. Trong quá trình nuôi, nước trong ao phải thay đổi liên tục và thỉnh thoảng còn phải cho cá ăn... tỏi giã nhỏ rồi trộn kèm với thức ăn cho cá để phòng bệnh. Tất cả những điều đó ông Tiến đã được "tu nghiệp" một cách nhuần nhuyễn ở lớp học nông dân.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình đã được cải tạo mới, ông Tiến tự hào khoe là hơn 30 nông dân trong lớp học nghề nuôi trồng thủy sản theo chương trình "tam nông" của Vĩnh Phúc đã chuyển đổi mô hình từ V-A-C sang V-A-C-B (vườn - ao - chuồng - biogas) một cách có hiệu quả, cho thu nhập cao hơn. "Năm ngoái, tôi thu được 120 triệu đồng từ trang trại này nhưng sáu tháng đầu năm nay tôi đã thu được 130 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết thuận lợi thì sẽ khá hơn". Ông Tiến không giấu được nỗi vui mừng vì cho rằng cứ làm theo kinh nghiệm của giảng viên căn dặn là con giống, cây trồng của gia đình ông không bị lây và nhiễm bệnh. "Từ ngày đi học, tôi cũng biết cách lên mạng để xem tin tức và những kiến thức mới đấy" - ông Tiến khoe.


Liên hệ với người đăng tin này:

An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov,vn

Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=265264&ChannelID=89



Báo cáo phân tích thị trường