Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp và trí tuệ cảm xúc
03 | 07 | 2008
Những nghiên cứu gần đây ở các tập đoàn kinh tế cho thấy những nhà quản lý xuất sắc đã phải ra đi do không thành công hoặc không phát huy được hết tiềm năng của mình.
Họ thất bại không phải do thiếu kỹ năng chuyên môn mà do những thất bại trong trí tuệ cảm xúc kinh điển như quan hệ trong công việc kém, độc đoán, và xung đột với cấp trên hoặc cấp dưới… Những nhà quản lý này có chỉ số IQ cao nhưng có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ thấp.

Trong nghiên cứu “Egon Zehnder International” 515 lãnh đạo cao cấp, trí tuệ cảm xúc cá nhân được chứng minh là chỉ số thành công tốt hơn kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm, hoặc chỉ số thông minh IQ.

Chuyên gia J. P. Pawliw-Fry ở Toronto trích dẫn một nghiên cứu trên 60 doanh nhân hàng đầu ở Mỹ xác nhận tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc EI (Emotional Intelligence) trong lãnh đạo “59 trong số 60 doanh nhân này thường bắt đầu cảm xúc của mình trước và sau đó kiểm chứng bằng lý lẽ hợp lý khi ra quyết định. Cảm xúc đó rất thật và nó giúp nhà lãnh đạo ra quyết định tốt hơn”.

Các giám đốc điều hành này đều có hiểu biết tốt và có khả năng sử dụng sức mạnh của cảm xúc hay chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao. Không giống như chỉ số thông minh IQ, chỉ số trí tuệ cảm xúc EI không có sẵn khi sinh ra. Trí tuệ cảm xúc có thể phát triển được. Trong khi trải nghiệm cảm xúc, chúng ta có thể lựa chọn giữa biểu lộ hoặc không biểu lộ chúng. Mục tiêu là biểu lộ chúng một cách thông minh và trí tuệ để có lợi cho mình và người khác.

Vậy trí tuệ cảm xúc là gì?

Theo John Mayer và Peter Salovey, (Giáo sư Đại học Yale - Mỹ) trí tuệ cảm xúc là “một loại thông minh xã hội liên quan đến khả năng theo dõi cảm xúc của mình và người khác, để phân biệt các cảm xúc đó, và sử dụng thông tin để hướng dẫn suy nghĩ và hành động”.

Trí tuệ cảm xúc là hiểu cảm xúc của người khác và cảm xúc của mình. Tại sao chúng ta cảm xúc như vậy và chúng ta có thể làm gì với cảm xúc đó. Trí tuệ cảm xúc còn là khả năng hiểu và sử dụng sức mạnh của cảm xúc một cách khôn ngoan.

Trí tuệ cảm xúc bao gồm bốn nhóm.

Nhóm 1 là khả năng tự nhận thức (Self-awareness), bao gồm khả năng tự nhận thức cảm xúc, tự đánh giá chính xác và tự tin.

Nhóm 2 là khả năng quản lý bản thân (Self-management), bao gồm khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân, sự đáng tin cậy, tận tâm, khả năng thích nghi, sự lạc quan, định hướng thành tựu và sáng kiến.

Nhóm 3 là khả năng nhận thức xã hội (Social Awareness), bao gồm khả năng đồng cảm, nhận thức tổ chức và phục vụ.

Nhóm 4 là khả năng quản lý quan hệ (Relationship Management), bao gồm phát triển con người, lãnh đạo tạo cảm hứng, tác động, giao tiếp, tác nhân thay đổi, quản lý xung đột, xây dựng mối quan hệ, làm việc đồng đội và hợp tác.

Trí tuệ cảm xúc có thể là một liều thuốc giúp giữ gìn sức khỏe cho công ty và kích thích tăng trưởng. Nếu một công ty có những nhân viên có năng lực cảm xúc tốt thì công ty đó sẽ tồn tại lâu hơn và phát triển tốt hơn. Điều đáng mừng là năng lực cảm xúc là năng lực có thể học được; các cá nhân có thể bổ sung những kỹ năng này như là hành trang trong công việc và trong cuộc sống; các doanh nhân có thể bổ sung và phát triển những kỹ năng này để trở thành những nhà quản lý, nhà lãnh đạo thành công.

Ngoài ra, theo Pawliw-Fry, biểu lộ những cảm xúc đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe, bởi vì giữ lại xúc cảm có thể gây hại cho cơ thể. Pawliw-Fry trích dẫn các nghiên cứu mới cho thấy “nếu bạn giận dữ và bộc phát cảm xúc và sự thù hằn đó, nó sẽ gây ra bệnh tim, cũng tồi tệ như việc hút thuốc lá”.

Ngày nay, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, gay gắt và thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, trí tuệ cảm xúc giúp doanh nhân tự quản lý bản thân, các mối quan hệ, sự nghiệp và công việc kinh doanh tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy 70% các lý do mất khách hàng liên quan đến tư duy cảm xúc thấp. Các dữ liệu khác chứng minh rằng sự gia tăng trí tuệ cảm xúc của lãnh đạo giúp tăng năng suất, giảm sự không hài lòng của nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực.

Các tổ chức ngày nay đã thay đổi cùng với những cải tiến về công nghệ và việc phổ biến thông tin rộng rãi. Thay cho kim tự tháp cấp bậc quản lý với lãnh đạo ở trên đỉnh ra lệnh và kiểm soát nhân viên, ngày càng nhiều tổ chức phẳng hơn. Do vậy, yêu cầu nhân viên cũng như cấp quản lý cần phải có khả năng tự quản lý bản thân và trí tuệ cảm xúc tốt. Họ phải là những người biết cách tự bắt đầu công việc, tự động viên và có thể làm việc tốt với những người khác trong các nhóm.

Việc cân bằng trái tim và khối óc ngày nay trở nên thiết yếu để doanh nhân có thể tiếp tục công việc kinh doanh thành công và bền vững. Trí tuệ cảm xúc trở thành một trong những hành trang không thể thiếu của doanh nhân thành đạt.




Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường