Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quyết định 70 của BNN về đánh dấu gia súc vận chuyển.
21 | 08 | 2007
Ngày 14/9/2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra QĐ 70, sửa đổi lại điều 4, mục 1, của QĐ số 49 ra ngày 13/6/2006, quy định đánh dấu gia súc khi vận chuyển trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu.

Vì đây là 1 nội dung rất quang trọng, bà con nông dân và các công ty kinh doanh cần đặc biệt lưu ý nên chúng tôi đưa toàn văn nội dung quy định như sau:

Điều 4: Đánh dấu gia súc vận chuyển

1. Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la khi vận chuyển ra khỏi huyện phải được đánh dấu bằng cách bấm thẻ tai (bằng nhựa cao su), thẻ tai được bấm ở mặt trong của tai bên phải con gia súc.

a) Thẻ tai mầu xanh, có chiều rộng là 4 cm, chiều cao là 5 cm; trên thẻ phải ghi rõ mã số, số hiệu của gia súc.

b)Mã số, số hiệu của gia súc gồm: Mã số của Chi cục Thú y; mã số của quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là huyện); năm thực hiện việc bấm thẻ tai và số hiệu của gia súc.

c) Mực viết mã số, số hiệu của gia súc trên thẻ tai có mầu đen và phải dùng loại mực không nhòe, không tẩy xóa được.

d) Cách viết mã số, số hiệu của gia súc trên thẻ tai được quy định cụ thể như sau: Hàng trên, gồm có: 02 (hai) chữ số đầu là mã số của Chi cục Thú y; 02 (hai) chữ số tiếp theo là mã số của huyện (nơi gia súc xuất phát hoặc nơi cách ly để kiểm dịch) và 02 (hai) chữ số cuối cùng là 02 (hai) chữ số cuối của năm thực hiện việc bấm thẻ tai; Hàng dưới là số hiệu của gia súc (được tính từ 01 đến 999999).

Ví dụ:

Mẫu thẻ tai dùng cho gia súc do Chi cục Thú y Hà Tây cấp

- 22 là mã số của tỉnh Hà Tây;

- 03 là mã số của huyện Chương Mỹ (nơi xuất phát của gia súc hoặc nơi nuôi cách ly gia súc);

- 06 là số viết tắt của năm 2006 (năm cấp thẻ tai);

- 000009 là số hiệu của gia súc (được tính từ 000001 đến 999999).

2. Lợn vận chuyển với mục đích để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm, thực hiện theo một trong các biện pháp sau:

a) Bấm thẻ tai

b) Xăm mã số tỉnh, mã số huyện và mã số năm ở mặt ngoài, phía dưới tai bên phải của lợn, cụ thể: các kim xăm của chữ số có chiều cao là 6 mm (tính từ bề mặt của bàn xăm) và nhọn ở phía đầu; chữ số có bề rộng từ 4 – 8 mm và có chiều cao tương ứng từ 8 – 12 mm.

Mã số xăm trên tai lợn được quy định như sau: 02 (hai) chữ số đầu là mã số của Chi cục Thú y; 02 (hai) chữ số tiếp theo là mã số của huyện (nơi lợn xuất phát hoặc nơi cách ly để kiểm dịch) và 02 (hai) chữ số cuối cùng là 02 (hai) chữ số cuối của năm thực hiện việc xăm mã số.

c) Mực sử dụng để xăm mã số trên da lợn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, không được mất mầu.

3. Lợn vận chuyển đến các cơ sở giết mổ thì phải thực hiện biện pháp niêm phong phương tiện vận chuyển bằng kẹp chì hoặc dây niêm phong có mã số, số hiệu.

Ví dụ

Hình mẫu chữ số để xăm trên da ở mặt ngoài, phía dưới tai của lợn:

Mẫu mã số xăm trên da ở phía dưới và mặt ngoài tai của lợn.

Ghi chú mã số:

- 22 là mã số của tỉnh Hà Tây;

- 03 là mã số của huyện Chương Mỹ (nơi lợn xuất phát hoặc nơi cách ly để kiểm dịch);

- 06 là số viết tắt của năm 2006 (năm thực hiện việc xăm mã số);

4. Gia súc đã được đánh dấu theo quy định này thì không phải đánh dấu lại khi kiểm dịch vận chuyển đi tiêu thụ nếu mã số, số hiệu của gia súc không bị mất mầu mực.

5. Gia súc sau khi kiểm dịch đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật lập bảng kê mã số, số hiệu của gia súc và gửi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.”

Mã số của Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được kèm theo quyết định. Chi cục Thú y tỉnh quy định cụ thể mã số cho từng huyện và thông báo mã số cho Cục Thú y và các Chi cục Thú y trong cả nước.



Báo cáo phân tích thị trường