Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị sẽ đón “bão giá” trong tháng 8
29 | 07 | 2008
Chưa có nhiều đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng các siêu thị tại Hà Nội và TPHCM dự báo: “Bão giá” sẽ đến vào đầu tháng 8 tới, với mức tăng các mặt hàng từ 5 - 10%

Hà Nội: Giá sẽ “đội” thêm 10%?

Nhiều siêu thị tại Hà Nội cho biết, thời điểm này họ chưa nhận được một đơn đề nghị tăng giá nào từ các nhà cung ứng hàng hoá, nên các mặt hàng vẫn được bán nguyên mức giá của tháng trước.

Tuy nhiên, không loại trừ các yêu cầu tăng giá sẽ đến vào những ngày cuối cùng của tháng 7 và đầu tháng 8, với mức tăng dao động từ 5 - 10%.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Hà Nội dự báo: Có thể sang đầu tuần tới Big C sẽ đón nhận những đề nghị tăng giá hàng hoá từ các nhà cung cấp.

“Tuy nhiên, khi nhận được thông báo đề nghị tăng giá, chúng tôi sẽ phải xem xét các mức tăng và tuỳ thuộc vào từng nhóm mặt hàng mới quyết định điều chỉnh giá bán, thời gian tính ra phải từ 10 - 15 ngày”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu có yêu cầu tăng, thì mức tăng cũng chỉ dao động từ 5 - 7%, tuỳ thuộc vào từng nhóm hàng. Các mặt hàng sử dụng nhiên liệu nhiều và sản xuất trong nước như: đồ uống, thực phẩm đóng gói có khả năng tăng mạnh nhất. Ngược lại, giá lương thực như gạo ít có khả năng tăng giá.

Riêng mặt hàng có mức điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian qua là dầu ăn, có khả năng không bị tác động nhiều trong tháng 8, bởi theo ông Dũng, tháng 5 mặt hàng này đã tăng 2 - 3% tuỳ loại.

Đặc biệt, kể từ đầu tháng 6, Big C đưa vào bán loại dầu ăn simply Cái Lân, với mức giá giảm tới 20%; ví dụ simply Cái Lân 5 lít trước có giá 182.000 đồng/chai, nay giảm còn 151.000 đồng/chai hay chai 2 lít từ 74.900 đồng/lít xuống còn 69.500 đồng/lít...

Ông Dũng cho biết thêm: Các loại hoa quả cũng có xu hướng giảm, vì đang chính vụ; rau xanh dù đã nhận được đề nghị tăng giá của các đơn vị cung ứng hàng nhưng Big C chưa chấp nhận đề nghị đó và mức giá vẫn chưa thay đổi.

Còn theo đại diện của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), các thực phẩm thiết yếu như mắm, muối... có nhiều khả năng nhận được đơn đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp với mức tăng khoảng 10%.

Hiện tại, siêu thị Hapro đang nhận được đơn đề nghị tăng giá của các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Pháp… với mức tăng từ 10 - 15%.

”Khi nhận được đề nghị tăng giá, chúng tôi sẽ phải xem xét và căn cứ vào lượng hàng tồn trong kho để quyết định các mức giá tăng, chứ không chỉ dựa vào yêu cầu của nhà cung cấp”, bà Nguyễn Đào Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh Thực phẩm (thuộc Hapro) cho hay.

Để kích cầu tiêu dùng, trong tháng 8 tới, Hapro sẽ triển khai chương trình Hội chợ Mùa hè, mặt hàng đồ uống được dự báo sẽ có khuyến mãi và giảm khá nhiều. Big C lại giảm giá tới 100 mặt hàng (chủ yếu là các sản phẩm giấy, nước mắm, quần áo, đồ gia dụng...) trong chương trình WOW.

“Từ đầu năm tới nay, sức mua tại Big C đã giảm tới 50% so với dự tính ban đầu. Để khuyến khích người dân đến với siêu thị nhiều hơn, Big C áp dụng chính sách giảm lãi 5%, nhà sản xuất giảm lãi 5% để hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thái Dũng chia sẻ.

TPHCM: “Đầu cơ” tranh thủ mua hàng tích trữ

Trước sức ép tăng giá từ những nhà cung cấp, nhiều siêu thị tại TPHCM vẫn cố gắng hãm đà tăng nhằm giữ chân khách hàng.

Các mặt hàng khuyến mãi luôn được người dân chú ý (Ảnh: An Hạ).

Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh siêu thị Citimart cho biết: “Sau khi giá xăng tăng, giá cả tại siêu thị vẫn bình ổn. Nhưng tôi nghĩ, sẽ có biến động giá trong tương lai gần. Các nhà sản xuất, nhà phân phối sẽ cộng chi phí vận chuyển do giá xăng tăng vào giá thành sản phẩm. Có điều, lần này sẽ không tăng giá ào ạt như hồi đầu năm, khoảng 5 - 10%.

Mấy ngày vừa qua, Citimart đã nhận được một số văn bản đề nghị tăng giá từ các nhà sản xuất tính đến đầu tháng 8 tới. Tăng mạnh nhất là giá sữa tiệt trùng của Dutch Lady tăng thêm 8.000 - 12.000 đồng/thùng 48 hộp 100ml - 180ml”.

Ông Hải còn thông tin thêm: “Điều đáng mừng là giá các loại thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, nước tương, đường, gạo, thịt thì chúng tôi chưa nhận được đơn tăng giá nào. Tạm thời từ nay đến hết tháng 7, giá các sản phẩm này vẫn bình ổn”.

Tại siêu thị Big C TPHCM, một nhân viên quầy hàng rau củ quả cho biết: “Cho đến nay, vẫn chưa thấy loại mặt hàng nào tăng giá bán do ảnh hưởng giá xăng tăng. Thực ra không phải dễ dàng tăng giá như thế. Mỗi khi có đợt tăng giá, chúng tôi còn phải tham khảo, nghe ngóng các siêu thị khác.”

Theo lời nhân viên này, các loại trái cây, rau quả từ Đà Lạt về nhiều, giá cả ổn định. Giá dưa hấu ruột vàng 7.800 đồng/kg; dưa lê trắng 14.700 đồng/kg; táo xanh Thái 19.900 đồng/kg; táo xanh Tây Lan 45.000 đồng/kg; lê tròn trắng 16.400 đồng/kg.

Hiện, các siêu thị không thể tăng giá vì sức mua yếu, dù trước khách hàng có thói quen bỏ ra số tiền lớn để mua hàng dự trữ nửa tháng hay một tháng. Nhiều siêu thị đang thực hiện chính sách giảm giá để kích cầu tiêu dùng và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho khách hàng.

Citimart với chương trình bán giá vốn cho 100 sản phẩm mỗi ngày thực hiện từ đầu tháng 8 tới. Siêu thị Metro An Phú đang áp dụng chương trình khuyến mãi Vui cùng Olympic của khoảng 8 nhà cung cấp…

Các siêu thị dự báo, tháng 8 tới, giá cả sẽ nóng bỏng, người dân và đặc biệt là một bộ phận đầu cơ cũng có tâm lý trữ hàng trước một đợt tăng giá mới.

Ông Hải, đại diện của Citimart hồ hởi nói: “Bình thường, sản phẩm sữa Dutch lady chỉ bán được khoảng vài trăm thùng/ngày. Mấy ngày gần đây, lượng khách mua sản phẩm này tăng lên đột biến như để dự trữ trước khi hàng tăng giá. Trong số khách hàng còn có những người đầu cơ mua đi bán lại để ăn chênh lệch”.

Theo lý giải từ các siêu thị, có hiện tượng trên là do một số mặt hàng ngoài thị trường đã tăng giá nhưng siêu thị vẫn bán theo giá cũ để người tiêu dùng bớt “sốc”.



Nguồn: Dân Trí
Báo cáo phân tích thị trường