Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thành viên thứ 150 của WTO- Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn XK ra thế giới
27 | 06 | 2007
Sau khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội đăng cai nhiều cuộc họp quốc tế, đây là cơ hội cho ngành thủ công Việt Nam phát triển.
Nhân sự kiện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tổ chức Lễ kết nạp Việt Nam (ngày 7/11 vừa qua) vào thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới tại Geneva (Thụy Sỹ), Phóng viên Báo Thương mại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hưng- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan.

Cảm nhận của ông về sự kiện đầy ý nghĩa này như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM…và ngày 7/11/2006 Việt Nam chính thức được kết nạp vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói, việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 7/11 này đánh dấu một mốc lịch sử trong sự phát triển đúng đắn của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Là một người con Việt Nam đang công tác xa quê hương khi nghe tin đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam do Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp, tôi vô cùng phấn khởi và cảm nhận như đang được “cởi trói bay lên trời cao”.

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, WTO đã trở thành một xu thế tất yếu của 150 nước. WTO ảnh hưởng tới nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Tổ chức Thương mại quốc tế là thể chế thương mại đa phương được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán Uruguay 1986-1994 trên cơ sở đạt được các thỏa thuận thuế quan gọi chung là GATT.

Quá trình gia nhập WTO của Việt Nam không chỉ tác động tới lĩnh vực kinh tế đối ngoại mà còn tác động tới các lĩnh vực kinh tế xã hội và góp phần xây dựng mục tiêu nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Khi gia nhập WTO Việt Nam sẽ thực sự tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời, WTO sẽ tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trước hết, việc gia nhập WTO cho phép Việt Nam tiếp cận nền kinh tế toàn cầu tạo điều kiện mở rộng thị trường hàng hoá, đầu tư khi đó Việt Nam sẽ được hưởng qui chế tối huệ quốc (MFN) và qui chế đối xử quốc gia (NT), và sẽ không bị phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Tác dụng của qui chế tối huệ quốc thể hiện được hưởng mức thuế thấp, qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm xuất xứ hàng hoá và các thể lệ khác được chia sẻ trong các nước thành viên. Việt Nam sẽ được hưởng thành quả đàm phán suốt mấy chục năm của GATT và WTO mà cụ thể là việc giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, nông sản, và sau này là các mặt hàng công nghiệp chế tạo thâm nhập thuận lợi hơn vào thị trường thế giới nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, khi gia nhập WTO Việt Nam còn được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP là mức ưu đãi cao nhất do các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển vào các nước này mà không phải đòi hỏi có đi có lại…

Bên cạnh hàng loạt các thuận lợi như vậy, cũng có những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa thực sự quen với sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp có thể rất thành công trên sân nhà nhưng chưa hẳn đã có thể vươn lên trong cơ chế của nền kinh tế hội nhập nếu như không có bước chuẩn bị chu đáo cho mình. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp nhưng chưa thật sự chú trọng đến việc bảo vệ và phát triển thương hiệu đó; các công ty có đầu tư sản xuất phần lớn bị động vào nguồn nguyên liệu mà sự biến động của thị trường quốc tế hẳn sẽ tác động mạnh tới sản xuất của công ty… Nếu doanh nghiệp không kịp “chuyển mình” phù hợp với tình hình thương mại mới sẽ dễ gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, nếu doanh nghiệp nào thực sự chưa đủ sức vươn ra thị trường thế giới hãy tập chung phục vụ ngay thị trường nội địa, đây cũng là đóng góp góp phần tạo nên sức mạnh chung của nền kinh tế đất nước, cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài một cách bình đẳng.

Phân tích và nhận định của ông về thị trường Thái Lan khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, đặc biệt là cơ hội và những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Thái Lan đã trở thành thành viên của WTO, vì thế việc tranh thủ những lợi thế của một nước mới trở thành thành viên của WTO như Việt Nam được thể hiện rất rõ đối với các doanh nghiệp Thái Lan.

Các nước khu vực nói chung và Thái Lan nói riêng đang có những thuận lợi và khó khăn nhất định thể hiện ở cả lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế: Philipin, Inđônêxia, Malaixia nhất là Thái Lan đang có những biến động về chính trị. Sự bất ổn về chính trị là nguyên nhân dẫn đến sự giảm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút phát triển kinh tế đất nước. Không thể nói rằng nền kinh tế đất nước phát triển trong môi trường chính trị bất ổn, nhất là bất ổn lâu dài. Đối với Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2005 đã có dấu hiệu của sự phát triển nền kinh tế quá nóng, Chính phủ Trung Quốc đã có nhứng chính sách hạn chế một số lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Đối với Thái Lan, kể từ đầu năm 2006, nhà Vua đã đưa ra chính sách “nền kinh tế vừa đủ” nhằm hạn chế sự bùng nổ của khủng hoảng thừa và hạn chế sự phát triển một số ngành kinh tế ngoài ý muốn. Thêm vào đó, giá dầu thế giới liên tục tăng từ đầu năm tới nay mà các nhà đầu tư không thể không tính đến như một nguyên nhân để mở rộng sản xuất hay không, đồng Baht tăng giá ảnh hưởng tới việc nhập khẩu các nguyên liệu cho sản xuất, tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Thái Lan, rồi việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của các nước Châu Á, giá lao động tăng đẩy giá cả hàng hóa tăng theo ...

Về vấn đề đầu tư, ngay từ đầu năm 2006, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những chuyển dịch từ một số nước trong khu vực sang đầu tư tại Việt Nam. Những tháng cuối năm hiện tượng này càng thể hiện rõ, nhất là các doanh nghiệp Thái Lan. Họ chọn Việt Nam để chuyển dịch đầu tư vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến môi trường chính trị của Việt Nam ổn định, cơ hội đầu ra đối với hàng hóa của Việt Nam sau khi gia nhập WTO là rất lớn, sau đó là giá lao động rẻ hơn và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn còn hấp dẫn, công cuộc cải cách nền kinh té đất nước, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh tại Việt Nam…

Trở thành thành viên thứ 150 của WTO, Việt Nam có cơ hội tiếp thu khoa học kỹ thuật, vốn của nước ngoài, kinh nghiệp quản lý và cả những hàng hóa trên thế giới. Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn xuất khẩu ra thế giới, mở ra nhiều cơ hội việc làm và thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những cơ hội như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Có thể nói những thách thức đó thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, tăng sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp, hàng hóa nước ngoài. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đầu tư đổi mới kỹ thuật và sản xuất của công ty mình.

Thứ hai, về ý thức hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu, tiếp cận với những thông tin của nền kinh tế thế giới và thay đổi cơ cấu điều hành của chính doanh nghiệp mình.

Thứ ba, sự hiểu biết về luật pháp quốc tế trong thương mại còn hạn chế. Điều này dễ đưa doanh nghiệp tới những khó khăn, thiệt hại khôn lường mà điển hình là một số vụ kiện quốc tế xảy ra vừa qua đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự tập trung vào đầu tư phát triển thương hiệu của chính mình. Trào lưu phát triển những đề án lớn, mặt hàng có giá trị lớn được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tính đến nhưng lại bỏ quên sự chú trọng tới phát triển các mặt hàng có giá trị kinh tế không lớn nhưng giá trị xã hội rất lớn như việc phát triển các mặt hàng lưu niệm. Đặc biệt sau khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội đăng cai nhiều cuộc họp quốc tế, đây là cơ hội cho ngành thủ công Việt Nam phát triển. Thái Lan phát triển rất tốt lĩnh vực này.

Thứ năm, thách thức tiếp theo là doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung cạnh tranh ngay trên sân nhà trước khi đi cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ sáu, Việt Nam cần có một đầu mối đủ mạnh, có kinh nghiệm làm công tác tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại khi tham gia các kỳ triển lãm ở nước ngoài. Thái Lan làm rất tốt công tác tổ chức này.

Trân trọng cảm ơn ông!



Vân Anh (Tradenews)
Báo cáo phân tích thị trường