Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi phát triển cây Jatropha trên diện tích lớn ở Việt Nam
07 | 09 | 2008
1. Hiện nay, ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới đang dấy lên “cơn sốt” trồng Jatropha để sản xuất biodiesel. Đó là một xu thế tốt, nhằm tìm kiếm một nguồn nhiên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường, lại có hiệu quả sinh thái cao, rất đáng khích lệ.
Tuy vậy, Jatropha vẫn là một cây hoang dại, nửa hoang dại, mới chuyển thành cây trồng trong thời gian ngắn, chủ yếu là vài năm trở lại đây. Tài liệu nghiên cứu của các nước về cây này còn quá sơ sài, nhất là về khía cạnh kinh tế đang còn nhiều lỗ hổng lớn. Nhiều tư liệu trên sách và báo chí về năng suất, hiệu quả kinh tế của cây này vẫn dựa vào những suy diễn của một số nhà khoa học và doanh nghiệp, chưa đủ độ tin cậy. Việc sử dụng số liệu năng suất kg/cây nhân với số cây/ha để công bố năng suất hạt/ha năm, dễ gây nên ngộ nhận, vì trong nông nghiệp, không thể sử dụng năng suất cá thể quy ra năng suất quần thể để thuyết phục người sản xuất, nhất là nông dân.

2. Những tư liệu nghiên cứu đã chứng minh biodiesel sản xuất từ Jatropha pha chế với diesel hóa thạch theo tỉ lệ nhất định đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của nhiên liệu, mà động cơ không cần cải hoán nhiều. Không những vậy, BD từ Jatropha là dầu sạch, thân thiện với môi trường, xứng đáng là loại dầu cần khuyến khích phát triển.

Tuy vậy, về mặt nông học, cây Jatropha trải qua 70 triệu năm sống trong tự nhiên đã trở thành một quần thể tích hợp những cá thể có độ biến dị cao, tính trạng di truyền rất đa dạng, không đồng nhất. Trong thực tế cho thấy, những cây Jatropha từ cây thực sinh (mọc từ hạt), các tính trạng di truyền phân ly nhiều, nhất là các tính trạng di truyền liên quan đến hiệu quả kinh tế. Về đặc tính ra quả, thì có tỉ lệ đáng kể số cây không ra quả, hoặc ra quả ít, nhưng có những cây đặc biệt sai quả.

Tin bài liên quan

. Triển vọng và lộ trình phát triển cây Jatropha để sản xuât diesel sinh học ở VN (bài cuối)
. Triển vọng và lộ trình phát triển cây Jatropha để sản xuât diesel sinh học ở VN
Theo dõi vườn cây 2 tuổi của Đại học Thành Tây, chỉ có 0,8% số cây trên 1.000 quả, còn 99,2% số cây không có quả hoặc có số quả dưới 1.000 quả/cây. Nếu 100% số cây trên 1.000 quả/cây, năng suất hạt 2kg/cây, nhân với 2.500 cây, thì năng suất suy diễn có thể đạt 5 tấn/ha/năm, nhưng vì có 99,2% cây không có quả và có quả rất ít, nên năng suất thực tế khó đạt 1 tấn/ha năm. Vì vậy, nếu trồng bằng cây giống thực sinh ắt sẽ dẫn tới hệ quả thật khó lường, dễ gây thiệt hại lớn cho nông dân. Một đặc tính quan trọng khác là hàm lượng dầu trong hạt, có biên độ biến dị từ 20% - 65%. Nếu trồng cây thực sinh, rất khó đảm bảo hàm lượng dầu cao của cả vườn cây, dẫn đến tình huống một vườn cây có khi năng suất hạt cao, nhưng năng suất dầu thấp, gây thiệt hại cho nhà chế biến và cũng gây sức ép trở lại đối với nông dân trồng nguyên liệu.

Trong điều kiện hiện nay, chưa có ngay giải pháp hữu hiệu gây tạo giống có năng suất hạt và năng suất dầu cao đột biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thì phải đầu tư công sức tìm kiếm cây mẹ ưu tú trong tập đoàn cây thực sinh, thông qua tuyển chọn, bồi dục, sản xuất ra cây giống gốc tốt, rồi dùng phương pháp nhân vô tính bảo toàn tính trạng di truyền tốt (độ biến dị khoảng 0,3%) để cung cấp giống cho người trồng, đảm bảo trên 90% số cây sai quả và hàm lượng dầu cao có xuất xứ ở nhiều vùng sinh thái khác nhau giữ gìn được tính đa dạng sinh học, nhất thiết không cho phép tùy tiện trồng đại trà bằng cây thực sinh.

Tuy vậy, trong vài năm tới, các doanh nghiệp làm chủ đầu tư các dự án lớn về sản xuất biodiesel vẫn nên đầu tư trồng Jatropha từ cây thực sinh trên diện tích cần thiết có xuất xứ từ nhiều vùng sinh thái trong nước, ngoài nước, tạo dựng được diện tích lớn về cây thực sinh có chức năng như một ngân hàng gen được bảo tồn lâu dài làm nguồn thực liệu để tuyển chọn, lai tạo, gây đột biến, chuyển gen nhằm tạo ra nhiều giống Jatropha mới cho bản thân mình và cho cả nước.

Trường Đại học Thành Tây đã sở hữu các giống xuất xứ từ Úc, Thái Lan, Indonexia, Malaixia, Ấn Độ, Mehico, Trung Quốc (Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Hải Nam) và nhiều vùng của Việt Nam, trong đó có giống có hàm lượng dầu trong hạt đạt 62–65%. Trường đã hợp tác với Cty Núi Đầu, Minh Sơn, Mega-Star trồng trên 2.000ha ở Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Lai Châu, với khoảng 5-6 triệu cây, tạo nguồn thực liệu phong phú có xuất xứ từ nhiều vùng sinh thái hứa hẹn sẽ tuyển chọn được hàng loạt cây mẹ ưu tú. Trường cũng đã phối hợp với Hội bảo vệ thực vật và một số đơn vị khác trồng trên diện tích nhỏ ở 19 tỉnh từ Bắc vào Nam để khảo nghiệm và theo dõi về sâu bệnh hại. Trường cũng đang dùng biện pháp nuôi cấy mô để nhân nhanh giống sai quả, hàm lượng dầu cao để trồng trên diện tích 100 ha vườn giống, nhằm cung cấp hom giống cho dân từ năm 2010.

Thông tin mới nhất cho biết, có nước đã bắt đầu sử dụng phương pháp tạo giống theo hướng nhân vô tính cây mẹ ưu tú thu được kết quả rất đáng mừng.

3. Nhiều nhà khoa của các nước, nhất là Trung Quốc coi Jatropha là một kho chứa nhiều giá trị tài nguyên sinh học quý giá, được tập trung đầu tư nghiên cứu khai thác tối đa các giá trị mới của cây này, ngoài dầu diesel sinh học. Các phụ phẩm sau dầu được chế biến sâu thành các chế phẩm sinh học như thức ăn chăn nuôi giàu đạm, các chế phẩm sinh học làm thực phẩm, mỹ phẩm, đặc biệt là chiết tách độc tố, nhất là Curcin để bào chế nhiều dược liệu quý, nhất là thuốc đặc hiệu điều trị HIV, ung thư cho người và các nông dược sinh học diệt trừ được nhiều loại sâu bệnh cho cây trồng, có khả năng tạo bước đột phá mới trong chuỗi giá trị cây Jatropha, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây này, đem lại lợi ích to lớn cho nông dân trồng nguyên liệu, cho nhà chế biến và toàn xã hội, hứa hẹn tạo ra một động lực mới thúc đẩy ngành kỹ nghệ sản xuất Jatropha ở nhiều nước, trong đó có nước ta.

4. Kiến nghị Bộ NN-PTNT tập trung chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học sâu sắc, toàn diện hơn, giành vốn đầu tư sản xuất giống đủ mạnh và quản lý chặt chẽ giống theo tiêu chuẩn về chất lượng, cập nhật kiến thức đối với nông dân và doanh nghiệp, góp phần đưa ngành sản xuất Jatropha và diesel sinh học của Việt Nam phát triển nhanh, mạnh nhưng vững chắc, làm đến đâu, tốt đến đó, nhất thiết không chạy theo phong trào, không áp đặt từ trên xuống. Cần tạo nhiều mô hình hấp dẫn có sức thuyết phục cao để nông dân tự lựa chọn.

Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích hấp dẫn. Kinh nghiệm ở Trung Quốc, 1 ha trồng Jatropha được Nhà nước tài trợ 200 tệ/mẫu Trung Quốc, tương đương 3.000 tệ/ha (7,5 triệu VNĐ/ha). Người trồng nhận được tiền sau khi cây trồng đã thành rừng và có hợp đồng giữa nông dân và nhà chế biến. Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm này để có chính sách hỗ trợ nông dân, nhất là cây Jatropha được trồng chủ yếu ở các vùng miền núi là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đang là những vùng nghèo nhất của nước ta.

Trong thời gian 2008 – 2010, ở nước ta, có nhiều doanh nghiệp bỏ vốn trồng thêm hàng vạn ha ở nhiều vùng trong cả nước, nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp và tư nhân sẽ bắt tay nghiên cứu nhiều lĩnh vực về cây Jatropha. Trường Đại học Thành Tây cũng đã trúng thầu đề tài độc lập Nhà nước về nghiên cứu cây Jatropha từ năm 2009 theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ. Nhiều nhà khoa học và quản lý có tâm huyết với cây Jatropha đã tự nguyện lập ra Câu lạc bộ Jatropha. Đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm tổng kết kịp thời những thành tựu mới, kinh nghiệm mới trong cả nước, tạo điều kiện cho ngành sản xuất Jatropha còn non trẻ của Việt Nam phát triển bền vững.


Nguyễn Công Tạn



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường