Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm sao cho mía có năng suất cao?
25 | 08 | 2007
Một trong những yếu kém của ngành mía đường là năng suất, chất lượng thấp. Trong đó, yếu tố giống giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất.

Thế nhưng công tác chuyển giao giống mới, chuẩn bị mía giống lại chưa đựơc quan tâm đúng mức. Cục chế biến nông lâm sản và nghề muối cho rằng, đến năm 2007, phải có 100% diện tích trồng mới và 100% diện tích vùng nguyên liệu vào năm 2010 đều được trồng bằng giống tốt.

Trong 10 biện pháp kỹ thuật cần áp dụng để thâm canh sản xuất mía đường, ông Phan Gia Tân, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp, Đại học Nông lâm Tp.HCM nhấn mạnh đến yếu tố giống. Cụ thể là làm tốt công tác sản xuất hom giống mía theo hệ thống 3 cấp, trồng và nhân giống mía bằng kỹ thuật mía bầu, đưa nhanh các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau vào cơ cấu giống sản xuất ở các vùng sinh thái.

Phẩm chất hom là yếu tố quan trọng quyết định năng suất mía. Nếu hom chất lượng kém thì các biện pháp kỹ thuật khác cũng tác động không đáng kể đến năng suất. Thực tiễn cho thấy, ở các vùng trồng mía, đa số nông dân lấy hom mía từ các ruộng mía thịt (mía nguyên liệu) để trồng mới mà ít chú ý đến việc có hay không có nguồn bệnh ẩn chứa bên trong. Như thế sẽ ảnh hưởng đến năng suất mía.

Theo ông Hà Đình Tuấn, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mía đường, có một số bệnh lây lan qua hom như bệnh cằn gốc, bệnh thân chồi đâm ngọn, hay bệnh chảy gôm...

Để khắc phục tình trạng nói trên, ông Tuấn cho rằng nông dân hạn chế hoặc không nên sử dụng mía nguyên liệu làm hom giống, mà nên sử dụng mía sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn do các viện, trung tâm, trại sản xuất mía giống uy tín cung cấp. Hom mía sạch bệnh là hom lấy từ ruộng mía giống có kiểm soát sâu bệnh, thông qua một quy trình nhân giống và phòng trừ sâu bệnh nghiêm ngặt.

Qui trình này gồm 3 cấp độ: giống cơ bản, giống kiểm định và giống thương phẩm. Để đạt tiêu chuẩn giống, hom phải còn tươi, mới; có độ tuổi từ 6 - 8 tháng, sạch vết sâu bệnh; mắt mầm còn nguyên vẹn và sức nảy mầm tốt; hom được lấy từ ruộng mía tơ; đường kính thân và chiều dài lóng nằm trong phạm vi dao động của giống mía.

Ở cấp nhân giống cơ bản, chọn ruộng sạch bệnh đạt tiêu chuẩn giống tốt. Ra hom 1 mắt, chọn hom không có vết bệnh, ngâm trong nước lạnh sạch 24 giờ và xử lý hom trong bể nước nóng khoảng 500C trong 2 giờ. Sau đó, ngâm lạnh trong dung dịch thuốc trừ nấm Carbenzim, để mọc mầm trong bóng mát và đem trồng trong khu cách ly. Vệ sinh và tiêu hủy cây bị bệnh định kỳ.

Sau khi ra bầu 45-50 ngày, cây cao từ 40-50 cm có thể xuất vườn đem trồng trực tiếp trên ruộng cơ bản. Ở cấp nhân giống kiểm định, ra hom 2- 3 mắt với kỹ thuật nhân giống tương tự như cấp 1. Cấp nhân giống thương phẩm, người nhân giống nên cần chú ý kiểm tra độ thuần của giống, loại bỏ cây sâu bệnh hoặc có biểu hiện thất thường.

Về cơ cấu giống, ông Phan Gia Tân cho rằng các giống mía mới ngoài yếu tố năng suất và chữ đường cao, cần có thêm các đặc tính khác như chịu hạn, chịu phèn, kháng sâu bệnh...

Hiện nay ngoài 29 giống mía mới được công nhận, Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường đã tuyển được các giống tốt có thể sản xuất như VN 84- 422, VN 85-1427, VN 85-1859, DLM 24, C 85-212, ROC 32, ROC 45, VĐ 88-368 và Quế Đường 15. Ông cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nên nhập thêm một số giống chín cực sớm giàu đường của Ấn Độ như Co 8336, Co 8337, Co 8338, Co 8340 và Co 8341.



Kim Oanh
Báo cáo phân tích thị trường