Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế tăng, giá thịt nhập khẩu vẫn chưa biến động
22 | 10 | 2008
Quyết định tăng thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đã được Bộ Tài chính ký ban hành và bắt đầu áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10, nhưng cho đến nay giá các mặt hàng này tại các siêu thị vẫn chưa thay đổi.
Chưa ảnh hưởng về giá

Các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đều cho biết, đến nay giá bán các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm nhập ngoại vẫn giữ nguyên do lượng nhập từ lô hàng trước đó vẫn còn nhiều.
Do đó, ngoại trừ các loại thịt nhập khẩu có chất lượng và giá cả hơn hẳn như thịt bò Úc và New Zealand, các sản phẩm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, đặc biệt là gia cầm hiện vẫn giữ mức giá thấp hơn khoảng 20% so với mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước.

Quan sát tại nhiều siêu thị, tỷ lệ các mặt hàng nhập khẩu kể trên trong cơ cấu của nhóm hàng thực phẩm nói chung hiện không giống nhau. Ở Big C, con số này chiếm từ 30 – 40%, ở Intimex là gần 20% và “vài phần trăm” ở Citimart… 

Tuy nhiên, các siêu thị đều thống nhất, trong số các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu kể trên, sức tiêu thụ mạnh nhất vẫn là cánh, đùi, tỏi gà bởi giá cả của chúng rẻ hơn nhiều so với hàng cùng loại trong nước mà lại tiện sử dụng và hợp khẩu vị người tiêu dùng.

Cho rằng ngay khi được áp mức thuế mới thì giá các mặt hàng nhập khẩu kể trên sẽ tăng nhưng lãnh đạo hệ thống siêu thị Fivimart đánh giá, riêng các mặt hàng đùi, cánh, tỏi gà, do được xếp vào nhóm thương phẩm phụ có mức tăng thuế nhập khẩu lên 8% (từ 12% hiện tại lên 20%), nếu khéo đàm phán với nhà cung cấp, các chi phí giảm đi thì giá bán ra có thể không tăng nhiều.

Biểu thuế mới áp dụng mạnh nhất với mặt hàng gà nguyên con nhập khẩu (từ mức 15% trước đây, lên 40%) nhưng thực tế, các siêu thị lại rất ít phân phối mặt hàng này. 

Với các sản phẩm cao cấp khác như thịt bò Úc, New ZeaLand, đại diện siêu thị Intimex cho rằng, giá bình thường đã rất đắt (khoảng 175.000 đồng/kg), phục vụ cho một số ít khách hàng có thu nhập cao nên dù tăng thuế thêm 2%, lên 17% thì sức mua một vài tháng tới đây cũng không mấy ảnh hưởng.

Có vực dậy được ngành chăn nuôi trong nước?

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho rằng, mặc dù Bộ Tài chính đã tăng thuế suất nhập khẩu các loại thịt song, phải vài tháng nữa quyết định này mới có tác động đến thị trường. 

Thông thường, đơn hàng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ thịt được các DN ký kết từ vài tháng trước. Chưa kể, các DN còn tung ra thị trường hết lượng hàng đang nằm trong kho.

Chỉ 8 tháng đầu năm, riêng sản phẩm thịt heo (thịt và nội tạng) các DN đã nhập về 8.612 tấn, tăng hơn 18 lần so với cả năm 2007, trong đó những phế phẩm như gan, tim, cật đã lên tới 426 tấn. Ngoài ra, trên 103.400 tấn các sản phẩm gia cầm cũng vào Việt Nam, tăng 2,5 lần so với cả năm 2007. Tổng cộng, các DN đã chi đến 82,7 triệu USD mua thịt gia cầm, 12,5 triệu USD thịt lợn, 17,2 triệu USD thịt trâu và bò... trong 7 tháng đầu năm. 

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng chóng mặt, lên tới 40-60% và riêng tháng 6 đã tăng gấp 3 lần, khiến người chăn nuôi bỏ chạy hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Tuy một tháng lại đây, giá TĂCN có giảm song giá thành nuôi gà công nghiệp vào 23.500-24.000 đồng/kg, lợn 33.000-35.500 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi vẫn lỗ.

Ngoài ra, không ít hộ và DN chăn nuôi e ngại khi rủi ro về dịch bệnh rất lớn, nhất là khi mùa đông đang đến gần. Hộ nuôi nhỏ thì gần như bỏ, còn chăn nuôi trang trại thì không dám đầu tư tiếp hoặc đã cạn vốn. 

Do vậy, ngành chăn nuôi vẫn đứng ngồi không yên bởi chỉ còn vài ba tháng nữa là đến Tết - nhu cầu thịt tăng mạnh - trong khi chăn nuôi chưa kịp hồi phục và các DN sẽ hạn chế nhập khẩu do thuế suất cao. Điển hình, tại Hà Nội, tốc độ phát triển chăn nuôi 9 tháng qua chỉ đạt có 2%, thay vì 5-6% như trước. Có đến 60% thịt lợn và 50% thịt gia cầm TP phải nhập từ các nguồn bên ngoài. 

Trên thực tế, cán cân cung - cầu các loại thịt trong nước gần gặp nhau, chỉ cần giảm nhập khẩu một chút là giá trong nước có thể tăng nhờ yếu tố tâm lý. Cục Chăn nuôi đang ráo riết chỉ đạo các Sở NN-PTNT hỗ trợ người dân đẩy mạnh chăn nuôi trở lại, đồng thời giá thịt trong nước cũng phải tăng thêm để khuyến khích người dân mở rộng sản xuất.

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước vượt qua cơn khó, đồng thời nhận định xu hướng tiêu dùng chính của người dân vẫn nghiêng về các sản phẩm tươi sống trong nước sản xuất, các hệ thống siêu thị Intimex, Fivimart, Citimart đều cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích, đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng này.

Cụ thể, Citimart ký kết hợp đồng với Công ty Đức Việt đảm bảo thịt lợn tươi và các sản phẩm từ thịt cho toàn hệ thống, Fivimart tập trung phân phối các mặt hàng gà ta, gà đồi của Công ty Phúc Thịnh, Intimex cũng đang liên hệ với các nhà cung cấp, đảm bảo tỷ lệ hàng tươi nội địa chiếm trên 80% từ nay đến cuối năm.
 


Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường