Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi áp dụng văn bản 11270/BTC-CST
07 | 11 | 2008
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván sàn ở khu vực miền Trung đang điêu đứng với văn bản số 11270/BTC-CST, ra ngày 23.9.2008 của Bộ Tài chính "về việc thuế xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu".
Theo đó, hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định. Cụ thể, mức thuế đối với mặt hàng gỗ ván sàn và một số mặt hàng khác là 10%.

Ở miền Trung hiện có hàng trăm nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Trước đây, các doanh nghiệp này nhập khẩu gỗ về và chỉ chịu thuế đầu vào với mức 10%. Số nguyên liệu gỗ nhập khẩu nọ, khi đã chế biến và xuất trở lại thì không phải chịu thuế. Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nào cũng thừa nhận đó là một ưu ái dành cho họ. Vì vậy, việc đánh thuế 10% "đầu ra" như văn bản 1127/BTC-CST của Bộ Tài chính mới đây là không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, văn bản trên ban hành ngày nào là có hiệu lực ngay từ ngày ấy. Đó chính là lý do để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván sàn rơi vào tình cảnh sẽ bị thua lỗ.

Ông Vi Văn Lưu - giám đốc một nhà máy chế biến gỗ ở Khu kinh tế Dung Quất - nói: "Tất cả các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, khi đàm phán với đối tác đều không biết sẽ có 10% thuế xuất khẩu. Vì vậy, các hợp đồng đã ký với đối tác đều không tính đến 10% thuế xuất khẩu này. Nếu áp dụng thuế 10% như văn bản của Bộ Tài chính hiện nay thì sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ, mà đàm phán lại với đối tác để điều chỉnh giá thì không thể được".

Ông Lưu khẳng định, việc đánh thuế xuất khẩu 10% như hiện nay là việc "nên làm", song Bộ Tài chính cần đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị, chứ áp dụng "gấp gáp" như thế, nhiều doanh nghiệp sẽ trắng tay. Các hợp đồng xuất khẩu ván sàn đã được doanh nghiệp ký với đối tác ngay từ đầu năm, nên không thể "rút lui" được.

Thêm 10% thuế mà không có lộ trình sẽ là một khó khăn lớn cho việc xuất khẩu đối với các doanh nghiệp ở miền Trung-một vùng đất vốn không có ưu thế về cảng biển như ở hai đầu đất nước. Người lao động cũng sẽ khó khăn hơn khi phải "chia sẻ với doanh nghiệp" về các khoản lương và thu nhập trước văn bản "gấp gáp" này.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường