Giữa Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có một biên bản hợp tác về xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới hoạt động mua - bán và sáp nhập (M&A) và về đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ DN đối với hoạt động M&A.
Tuy nhiên, tới nay, nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động tập trung kinh tế cũng như hoạt động mua bán DN có yếu tố nước ngoài vẫn chưa được kiểm soát. Về vấn đề này, ông Ngô Công Thành - chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết:
- Trước hết, phải hiểu các hoạt động tập trung kinh tế như hoạt động nhỏ trong hoạt động mua bán, sáp nhập ở VN vào các DN nước ngoài mà thôi. Cho nên, hầu hết các vụ mua bán, sáp nhập gần đây chưa đạt đến ngưỡng cần phải có thông báo về vấn đề tập trung kinh tế. Nhưng chúng ta cũng phải lưu tâm đến những trường hợp, những lĩnh vực như an ninh quốc phòng. Những trường hợp này cần xem xét cẩn thận khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, bởi trong một số lĩnh vực mà theo quy định hiện nay, nếu NĐT mua 49% vốn cổ phần của DN thì chỉ cần đến đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mà không cần có giấy chứng nhận đầu tư.
- Phải chăng do tiêu chí của chúng ta chưa rõ ràng?
- Luật Cạnh tranh có đưa ra tiêu chí về thị phần. Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ phần trăm thị phần như thế nào đến nay rất khó, khiến cơ quan quản lý rơi vào tình thế rất khó thực hiện. Có thể đưa ra những tiêu chí cụ thể như tiêu chí về doanh thu của DN, về quy mô hay tiêu chí số lượng giao dịch trong một năm. Ví dụ, nếu nói một quỹ đầu tư có 10-15 giao dịch một năm, liệu quỹ này có đủ kinh nghiệm không?
Ngoài ra, cũng cần xem xét tới cả khả năng tài chính, năng lực nghiệp vụ, khả năng công nghệ... của quỹ này. Nếu chúng ta đưa ra tiêu chí là các DN nước ngoài vào VN mua lại DN VN thì phải là DN niêm yết trên TTCK phát triển và CP của họ phải có tính ổn định. Nếu như một NH mà giá CP của họ vừa mới sụt giảm, lại vào mua DN của ta thì xử lý ra sao... Do đó, cần có pháp lý rõ ràng và minh bạch để vừa tạo thuận lợi cho các NĐT giao dịch, đồng thời thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước giám sát những hoạt động đó.
- Với các giao dịch của NĐT nước ngoài trong lĩnh vực FDI thì sao, thưa ông?
- Trước đây, các giao dịch chuyển nhượng vốn hay giao dịch chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thường được thể hiện qua việc điều chỉnh giấy phép đầu tư. Và việc điều chỉnh giấy phép này được tập trung vào một đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, những giao dịch từ năm 2006 trở về trước đều được bộ phận tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài thống kê. Song từ khi phân cấp, các đầu mối tại các địa phương đã không báo cáo đầy đủ, những dự án có điều chỉnh đã không được báo cáo lại. Do đó, những số liệu này chưa thống kê được.
- Chúng ta đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm của hoạt động này?
- Hiện nay chưa thể khẳng định chúng ta đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Cục Đầu tư nước ngoài nhiệm vụ là trong năm 2009 phải tiến hành điều tra thực trạng hoạt động đầu tư mua lại và sáp nhập ở VN có yếu tố nước ngoài hiện nay như thế nào. Tới lúc đó mới có thể trả lời được.
- Nhiều ý kiến cho rằng, những quy định của chúng ta hiện đang chồng chéo và chưa rõ ràng?
- Theo quy định của Luật DN, Nghị định 139, việc mua lại dưới 49% vốn cổ phần của một DN thì chỉ cần có đăng ký kinh doanh mà không phải qua cơ quan đầu tư. Nó dẫn tới mâu thuẫn là một dự án thành lập một trung tâm ngoại ngữ, hay một phòng khám hay thẩm tra đầu tư thì đầu tư có điều kiện chỉ có 500.000 hay 1 triệu USD cũng phải qua thẩm tra của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, chỉ cần một dự án nhỏ ở một Cty viễn thông hoặc một NH đã lên tới hàng trăm triệu USD thì chúng ta có thể bỏ qua mà không qua cơ quan thẩm tra. Do đó, chúng ta không quản lý hết được những dự án đó.
Một số quy định như trong Luật DN rất thoáng và NĐT nước ngoài đã tranh thủ tận dụng những điểm thoáng đó trong những lĩnh vực vực không bị hạn chế khi gia nhập WTO. Từ 1.1.2009, các DN thương mại trong lĩnh vực phân phối mở cửa toàn diện. Như vậy, họ có thể mua lại toàn bộ một DN nếu như theo quy định hiện hành của chúng ta hiện nay đảm bảo cam kết WTO thì một Cty nước ngoài có thể mua lại 100% một Cty VN.
Nhưng cũng có một quy định khác thắt chặt là quy định chỉ có thể mua lại từ cơ sở đầu tiên. Còn từ cơ sở thứ hai trở đi thì phải căn cứ vào nhu cầu thị trường tại địa điểm đó mới được xem xét; nên đây cũng là yếu tố cản trở các NĐT nước ngoài mua lại các DN trong lĩnh vực phân phối, do họ không mở thêm được nhiều chi nhánh.
Ưu thế của hoạt động mua lại là tận dụng ưu thế có phân phối, nhưng nếu ta chỉ cho mua một địa điểm kinh doanh thì không hấp dẫn các NĐT nước ngoài. Để tạo cơ sở cho hoạt động M&A thời gian tới, chúng ta phải có một văn bản pháp luật ở tầm nghị định của Chính phủ hướng dẫn thống nhất Luật DN, Luật Cạnh tranh và Luật CK.