Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN nên nhìn tới những mục tiêu cao hơn
02 | 12 | 2008
Phải bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược của doanh nghiệp, chiến lược của địa phương và nâng tầm thành chiến lược của quốc gia

“Với vị trí Chủ tịch Hội đồng Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu, tôi đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà VN đã đạt được. VN là câu chuyện của thành công với những điểm sáng ấn tượng. Nhưng VN mới chỉ làm được những phần đơn giản. Còn bây giờ, các bạn nên nhìn tới những mục tiêu cao hơn bằng cách thay đổi tư duy, thực hiện chiến lược dài hạn”. Giáo sư Michael E. Porter, “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh toàn cầu, đã nhận định như vậy tại hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế của VN” do Trường Doanh nhân PACE tổ chức ngày 1-12 tại TPHCM với sự tham gia của 700 đại diện các bộ ngành, chuyên gia kinh tế và doanh nhân.

Không có DN tốt nhất

Sau 4 tháng nghiên cứu về VN để chuẩn bị tài liệu cho hội thảo này, giáo sư Michael E. Porter đã đưa ra nhận xét: Điểm hạn chế của các doanh nghiệp (DN) VN là muốn trở thành DN tốt nhất làm ra sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Đây là quan niệm sai lầm trong việc hoạch định chiến lược vì sản phẩm, dịch vụ tốt nhất có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác nên có thể khẳng định không có khái niệm tốt nhất mà thay vào đó là nên đem đến những sản phẩm, dịch vụ khác biệt.

Điểm hạn chế thứ hai là DN VN quá ôm đồm, tham lam muốn thực hiện một lúc nhiều thứ. Lúc này, cần có vai trò của người lãnh đạo có “bàn tay sắt” để quyết định chiến lược nào phù hợp với DN vì chiến lược không cần phải mang ra biểu quyết.

Sao chép chiến lược và hay thay đổi cũng là điểm yếu của các DN VN. Đa số các DN lười tư duy nên chỉ biết sao chép chiến lược của các đối thủ cạnh tranh làm giảm hình ảnh độc đáo của mình. Chiến lược phải được thực hiện liên tục trong quá trình 3 năm để nhận biết mức độ thành công của chiến lược.

Phát triển các nhóm ngành

Dù có sự phát triển ấn tượng trong hai thập kỷ qua, nhưng với những cải cách chưa đủ mạnh nên VN vẫn là quốc gia có thu nhập dưới trung bình. Điều này có thể chưa hợp lý khi căn cứ vào lợi thế cạnh tranh như hạ tầng truyền thông (hạng 72/130 nước), cạnh tranh nội địa (75/130), nằm trong nhóm quốc gia thu nhập thấp có chỉ số cạnh tranh kinh doanh cao... Song VN chưa có chiến lược kinh tế dài hạn nên những thành tựu đạt được chủ yếu đến từ những ngành nghề thâm dụng lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó là mức độ can thiệp của Chính phủ thông qua các chính sách tiếp cận tài chính (xếp hạng 109/130), hạ tầng hậu cần (96/130)... là những bất lợi trong cạnh tranh.

Với thế mạnh xuất khẩu, VN nên quan tâm đến thị phần xuất khẩu theo nhóm ngành để tạo sức mạnh cạnh tranh. Chẳng hạn, thị phần xuất khẩu của VN năm 2000 chỉ là từng ngành riêng lẻ như may mặc, dầu khí, đồ gỗ... thì đến năm 2006 – 2008 đã có sự liên kết theo nhóm ngành như hàng may mặc – giày dép – da và các sản phẩm từ da, dầu khí – hóa phẩm – nhựa, thủy sản và thủy sản chế biến – nông sản, đồ gỗ - dịch vụ xây dựng – thiết bị và dịch vụ văn phòng.

Giáo sư Michael E. Porter cho rằng: Chiến lược quốc gia thực chất đi từ chiến lược DN, chiến lược địa phương. Đối với VN, nâng cao năng lực cạnh tranh cần có 7 giải pháp. Theo đó, bên cạnh 4 giải pháp đã thực hiện nhưng cần phải nỗ lực hơn là giảm tham nhũng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường tài chính và cải cách hành chính cần phải thực hiện 3 giải pháp quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, đổi mới DN Nhà nước và phát triển các nhóm ngành. Như vậy mới hy vọng GDP của VN được nâng lên từ 5.000 USD hoặc kỳ vọng trên 20.000 USD/người/năm.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cấp cao:

Phải vượt qua bẫy lao động giá rẻ

Từ những điều mà ông Michael E. Porter nói có thể thấy mỗi quốc gia có chiến lược khác nhau nhưng đều dựa trên nguyên tố cơ bản và không thể thoát khỏi quy luật chung. Chẳng hạn, nếu chỉ dựa vào lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu có thành công thì chỉ trong ngắn hạn. Đây là bài học cho VN vượt qua bẫy lao động giá rẻ để tạo năng lực cạnh tranh dài hạn và bền vững.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM:

Trao cho DN chìa khóa

Những điều mà giáo sư Michael E. Porter trao đổi không dừng lại ở lý thuyết mà rất thực tế. Ông nói rằng ông không làm cho DN thành công nhưng đã đưa ra các giải pháp để các DN thực hiện được chiến lược nâng cao cạnh tranh. Như vậy là ông đã trao cho các DN chìa khóa. Việc cần làm bây giờ tùy thuộc vào năng lực của từng DN.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường