Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đằng sau con số CPI giảm mạnh
28 | 09 | 2008
Vui mừng trước con số CPI tháng 9 chỉ tăng 0,18% nhưng VN cũng cần trầm tĩnh nhìn lại đằng sau con số đó là gì, liệu khả năng nóng trở lại của nền kinh tế còn tồn tại - TS. Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề
Quan ngại đằng sau con số CPI giảm mạnhChỉ số CPI giảm là đúng, chúng ta có thể vỗ tay hoan hô, nhưng ngay sau đó, phải bình tĩnh nhìn lại, chiêm nghiệm đằng sau con số đó là gì? có đáng mừng thực hay không? Cần có cách tiếp cận và tầm nhìn dài hạn, cơ bản về những chỉ số kinh tế đó.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI đang có xu hướng chững lại là một tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ. Tuy nhiên, con số CPI trong tháng 9/2008 chỉ tăng 0,18% cũng gợi lên nhiều điều đáng lưu tâm.

Một mặt, giá gạo đang giảm mạnh, người tiêu dùng gạo sẽ được lợi, tác động tích cực cho chỉ số CPI đồng thời cũng phản ánh một thực tế là gạo VN đang không bán được. Trong khi đó, mùa mưa đang đến, nguy cơ lúa gạo hỏng lớn, nhất là ở nông thôn Nam Bộ. Đúng lúc phải tiêu thụ sản phẩm gạo thì không tiêu thụ được. Đây là tình trạng đáng lo ngại. Giá thấp đồng nghĩa với của cải bị mất, rủi ro lớn đổ vào người trồng lúa, những đối tượng dễ tổn thương trong lạm phát.

Mặt khác, phải tính tới sự giảm giá tiêu dùng quốc tế. Khi giá tăng, VN cần tập trung bàn chính sách để chống lạm phát. Khi giá giảm, cần phải xem yếu tố chính sách tác động được bao nhiêu và bao nhiêu là do yếu tố bên ngoài.

Hiện nay, giá cả các mặt hàng thế giới đều giảm mạnh, tác động tích cực tới chỉ số lạm phát của VN. Tuy nhiên, sự giảm giá này cũng chính là biểu hiện cụ thể của suy thoái kinh tế thế giới. Giá hàng hóa giảm mạnh là tín hiệu ngầm định về một tương lai không mấy sáng sủa, nếu không nói là u tối của nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động dài hạn đến tăng trưởng và phát triển của VN. Trong hội nhập, VN buộc phải lưu tâm tới những biến động đó. Đơn cử, hàng hóa VN sẽ được tiêu thụ như thế nào khi nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, nhất là từ kinh tế Mỹ?

Hơn nữa, quý III thường là thời điểm giá cả xuống thấp, nên ngay cả khi chúng ta không cần làm gì, CPI vẫn giảm.

Mục tiêu không nằm ở con số lạm phát giảm

Bên cạnh đó, mục tiêu kiềm chế nhập siêu đã đạt thành tích vang dội. Nhưng chúng ta cũng cần đặt vấn đề: khi đang nhập siêu tưng bừng, bị thắt quá mức, VN sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, trong sản xuất và đời sống? Thành tích chỉ là thành tích. Bộ Công thương có thể quan tâm tới thành tích giảm nhập siêu, bởi đó là nhiệm vụ đã được giao, và bằng mọi cách kiềm chế bằng một loại công cụ, giải pháp để chặn việc nhập siêu. Nhưng điều đó có gây khó gì cho sản xuất? Người kinh doanh hàng nhập khẩu ảnh hưởng như thế nào?

Thực tế, trong nhập khẩu, VN đang quay trở lại quy chế giấy phép, với việc xin giấy phép nhập khẩu phải mất hàng tuần. Hệ thống giấy phép gây khó khăn gì? Cách hành xử mang tính hành chính ít khi mang lại thành quả tích cực.

Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của chống lạm phát, giảm nhập siêu không nằm ở những con số lạm phát, nhập siêu giảm. Quan trọng hơn, các biện pháp, nỗ lực đó mang lại kết quả tối ưu gì cho quan hệ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế. Lạm phát có thể kéo về mức 0 nhưng có thực sự tốt cho nền kinh tế thì cần xem xét thêm nhiều vấn đề. Nếu kéo CPI xuống thấp quá, có thể nền kinh tế đình trệ, khó khăn sẽ bung ra ở khía cạnh khác.

Giá lên xuống thất thường, mức dao động lớn sẽ gây khó cho việc kinh doanh, sản xuất. Nhập siêu cũng vậy, cần tính giảm theo nhịp độ nào là tối ưu. Kết quả cuối cùng cần hướng tới, hay tính mục đích của hai tuyến vấn đề tái lập ổn định vĩ mô là tính tối ưu cho nền kinh tế chứ không phải ở bản thân thành tích ấy.

Trong hiện tại, xu hướng giảm lạm phát, kiềm chế CPI khá rõ ràng, xu hướng kiểm soát nhập siêu đã rõ, nhưng vế của tương lai thì chỉ với chỉ số CPI và nhập siêu không phản ánh hết.

Nguy cơ kinh tế nóng trở lại vẫn tiềm tàng

Câu hỏi đặt ra là, khả năng nóng lên của nền kinh tế có còn không? Theo tôi còn rất ghê gớm. Bởi vì lượng vốn nước ngoài thực hiện năm nay rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay đầu tư công mới giải ngân rất ít, chỉ 57% kế hoạch đề ra trong 8 tháng đầu năm. Để đạt mục tiêu, giải ngân sẽ dồn vào cuối năm. Bởi con số 57% giải ngân theo kế hoạch không phải do Chính phủ chủ động cắt giảm để kiềm chế lạm phát, chỉ là do hạn chế trong giải ngân, giải ngân chậm, cuối năm sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu.

Dòng tiền bơm ra sẽ tập trung vào một thời điểm, trong điều kiện nền kinh tế đang có vấn đề, các điểm yếu vẫn tắc, chưa giải tỏa được: như hạ tầng, năng lượng... Khi bơm thêm vốn với một khối lượng khốc liệt, nền kinh tế sẽ nóng trở lại. Câu chuyện cuối năm cần tính tác động của những vấn đề này.


Hiện nay chỉ số lạm phát tháng giảm mạnh nhưng cần lưu ý đây cũng thường là những tháng lạm phát dịu nhất, không cần làm gì cũng hạ. Cộng hưởng với yếu tố thị trường bên ngoài, VN càng không được chủ quan. Trong khi những yếu tố làm nóng vẫn còn tiềm tàng.

Hiện nay, nhiều người đặt vấn đề đã đến lúc cần nới lỏng tiền tệ. Theo tôi, cơ sở cho nới lỏng tiền tệ đã xuất hiện, nhưng nới lỏng hay chưa cần có sự cân nhắc về mặt thời gian, và cách nới lỏng. Quan trọng nhất để nới lỏng là giảm đầu tư công. Giảm chứ không phải là giải ngân chậm.

Giảm đầu tư công, áp lực tiền tệ ra ngoài sẽ bớt đi, lạm phát sẽ giảm thật, vững chắc và chính xác, khi đó, giảm lãi suất xuống mới chắc chắn được.

Hiện nay, những yếu tố ngoài tiền tệ tác động giảm lạm phát, nhưng đi liền với việc tồn tại các yếu tố tăng tiền, khiến nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm tàng. Nếu giảm vội vàng quá, có thể trở nên lợi bất cập hại.

Trong khi đó, những điểm yếu cơ cấu bên trong của nền kinh tế các giải pháp ngắn hạn chống lạm phát chưa đụng tới được. Những yếu tố làm nền kinh tế nóng lên, một bên bơm tiền và một bên là cơ cấu bên trong, giống như dòng ô tô và hệ thống đường xá, không có sự tương thích, cân đối.

Bản chất của cơ cấu là chi tiêu của VN quá nóng, các "máy bơm" cứ xả tiền ra thị trường. Có thể hình dung sự nóng của nền kinh tế như kết quả của sự ma xát giữa tốc độ dòng tiền quá cao và quá lớn với mặt đường cơ cấu kinh tế VN. Mặt đường đó là hệ thống bến cảng, giao thông, hạ tầng đô thị, cung cấp năng lượng... hiện đều quá tải. Luồng tiền chạy qua những nút thắt đó làm nóng rực nền kinh tế VN. Chừng nào VN chưa giải quyết được thì nguy cơ bất ổn vĩ mô vẫn lớn.

Chúng ta vẫn cắt giảm đầu tư theo kiểu phong trào, để tập đoàn, bộ ngành, địa phương tự chủ động cắt và báo cáo lên mà quên mất nhà nước là đại diện chủ sở hữu...

Chúng ta không biết được, cắt thực như vậy thì sẽ phải dồn vốn cho những công trình nào? Chúng ta không công bố được là công trình nào sẽ đi vào hoạt động trong 2008? Đây là những việc cần làm trong các tháng cuối năm.

Nếu không làm được thì năm 2008 này, chính sách tiết kiệm giảm chi tiêu công coi như chỉ thành công một nửa về số lượng bình quân nhưng không tạo ra được thay đổi gì về cơ cấu kinh tế. - TS. Nguyễn Đức Kiên (UB Kinh tế của Quốc hội)

Trong bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát chỉ là một trong những yếu tố đó, dù bao giờ nó cũng hiện ra như là yếu tố gay gắt nhất, có tính tập trung, hội tụ.

Đầu tư, chi tiêu công: Điểm chốt cơ cấu cho bài toán vĩ mô

Có 3 máy bơm tạo ra sức nóng đó: ngân hàng, ngân sách, và dòng đầu tư nước ngoài. Tất nhiên đầu tư nước ngoài cũng phải qua những kênh trên, nhưng có thể thấy rõ ba luồng tiền: do khu vực tư nhân Việt Nam, do hệ thống chi tiêu chính phủ, bao gồm cả DNNN và luồng DN đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, với chính sách tiền tệ, VN có thể kiềm chế được dòng đầu tư tư nhân. Động thái kiềm chế đầu tư công hiện vẫn chưa rõ ràng, trong khi dòng đầu tư nước ngoài vẫn rất mạnh, thậm chí tăng vọt. Do đó, dòng vốn vẫn rất nóng. Trong bối cảnh hiện nay, VN cần cẩn thận đầu tư nóng làm nền kinh tế không thể hạ nhiệt.

Giải pháp hạ nhiệt cho VN là một mặt phải giảm đầu tư, mặt khác tăng cơ cấu lên. Vừa đầu tư nhiều, vừa hiệu quả tốt là lý tưởng nhưng chí ít, không được thì giảm đầu tư đi và tăng hiệu quả của mỗi đầu tư lên, dù chưa thể đụng được đến cơ cấu ngay.

Trước mắt, VN cắt giảm đầu tư công, bước tiếp theo là xem lại cơ chế chi tiêu công, xét duyệt đầu tư công cần thay đổi. Sự cải cách cơ bản nhất phải hướng vào đầu tư công, làm sao tăng hiệu quả, đừng quá nhiều dự án trải ra.

Về đầu tư công, như đã nói ở trên, tín hiệu quyết tâm cắt giảm thật vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, ngày 22/9, trong phiên thảo luận của UBTV Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước từ 2005 - 2007, một kết luận rõ ràng đã được đưa ra, VN không quản lý được chi tiêu và đầu tư công. Những lãng phí ở dự án nhà máy xử lý nước thải khi đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, ở dự án cầu Thanh Trì và tuyến phía Nam vành đai 3... đã là minh chứng rõ ràng.

Chúng ta bơm tiền ra mạnh nhưng không đúng kiểu, các dự án không được thông tiền... Bơm nhiều nhưng cứ trục trặc, gây bất ổn. 8 tháng chỉ giải ngân được 57% là một minh chứng. Với cách đầu tư hiện nay, nếu cứ hút mãi đầu tư vào, năng lực thực thi, quản trị dự án kém, rủi ro rất lớn.

Về chi tiêu công, dù quyết tâm cắt giảm 10%, nhưng thực tế, bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn chấp nhận chi vượt thu 5%. Năm nay, sau những tranh luận, Quốc hội dự kiến chấp nhận mức thâm hụt chi ngân sách còn 4,7%. Những tín hiệu đó khiến người ta thực sự băn khoăn về nỗ lực giải quyết điểm chốt cho bài toán vĩ mô của VN, để hạ nhiệt độ nóng của nền kinh tế.

Nếu không đụng được những vấn đề căn cốt này, thì giống như các chuyên gia nước ngoài nhất định, VN mới chỉ "cứu chữa triệu chứng chứ chưa phải là nguyên nhân của căn bệnh".



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường