Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mở van cho vay
27 | 09 | 2008
Nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp (DN), cá nhân đang ngày tăng cao vào các tháng cuối năm. Một số ngân hàng vừa công bố dành hàng ngàn tỉ đồng cho vay góp phần giải quyết phần nào nhu cầu vốn này.

Hàng ngàn tỉ đồng cho vay

So với cách đây vài tháng, hiện các ngân hàng đã "mạnh tay" cho DN vay hơn. Một số ngân hàng đã công bố hạn mức dành cho DN vay khá lớn. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nâng hạn mức cho vay xuất khẩu từ 20 triệu USD lên 50 triệu USD; giảm lãi suất cho vay USD xuống còn 7,3% - 10%/năm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sau khi giải ngân gần hết 2.000 tỉ đồng trong vòng 2 tháng, tiếp tục tăng hạn mức cho DN xuất nhập khẩu vay thêm 3.000 tỉ đồng với mức lãi suất 6,6%/năm. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng dành 1.000 tỉ đồng tài trợ bao thanh toán đối với các DN. Bên cạnh các ngân hàng trong nước, một số ngân hàng nước ngoài cũng đang tập trung cho vay đối với các DN vừa và nhỏ. Dù không công bố hạn mức tín dụng dành cho các DN nhưng HSBC cho rằng sẽ đáp ứng nhu cầu bình thường đối với những hồ sơ đạt điều kiện.

Khách hàng tốt lãi suất vay chỉ 18%/năm

Trao đổi với Thanh Niên chiều 25.9, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, vào thời điểm hiện tại, ngân hàng này rất muốn cho vay đối với các khách hàng tốt, lãi suất vay ngắn hạn VND chỉ ở mức 18%/năm nhưng cũng rất khó khăn trong việc tăng dư nợ. Đối với các khách hàng bình thường, ngân hàng này chỉ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 19%/năm. Còn các đối tượng khách hàng sẵn sàng vay với mức lãi suất cao hơn thực chất là các khách hàng có độ rủi ro rất cao nên ngân hàng không thể cho vay. "Lãi suất cao là một nguyên nhân khiến các DN ngại vay nhưng cũng phải thấy rằng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất của nhiều DN đang tiếp tục giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vay vốn suy giảm", vị tổng giám đốc này nhận xét.

Hoàng Ly (ghi)

Ngoài ra, các ngân hàng bắt đầu triển khai lại cho vay chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản sau gần 7 tháng tạm ngưng. Trong khoản 15.000 tỉ đồng cho vay từ nay đến cuối năm, ACB dành 1/3 cho các DN, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân vay đáp ứng mục đích kinh doanh, xuất khẩu, mua nhà, vay tiêu dùng...

Đại diện Eximbank, HSBC, Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP.HCM cho hay vẫn ký duyệt hồ sơ vay tiêu dùng, mua nhà... bình thường.

Lãi suất cho vay còn cao

Theo văn bản VCCI gửi Hiệp hội ngân hàng Việt Nam ngày 23.9, mặt bằng lãi suất cho vay 21%/năm thì việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh đã trở thành một trong những khó khăn lớn nhất của DN. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB thừa nhận, mức lãi suất cho vay 21%/năm không phải cá nhân nào cũng có thể chấp nhận được. VCCI đã đề nghị Hiệp hội ngân hàng trao đổi với các thành viên để thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay tiền đồng ưu đãi 18,5% - 19,5%/năm hầu hết dành cho các DN xuất nhập khẩu. Còn mặt bằng lãi suất cho vay các DN không nằm trong danh sách ưu tiên, cho vay cá nhân chủ yếu từ 19,92% - 21%/năm.

Ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng trong điều kiện mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay, các DN cần tính toán thời gian vay ngắn lại bằng cách rút gọn chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ biến động theo chỉ số CPI. Khi chỉ số CPI giảm, giá các loại hàng hóa đều giảm thì lãi suất cũng sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên lãi suất sẽ không xuống quá đột ngột.



Nguồn: www.thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường