Do vậy, tác động về giá nguyên liệu thế giới tăng đối với số nhập về từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, nếu có ảnh hưởng đến giá thành TACN thành phẩm, cũng phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 mới có thể tăng trở lại.
Để bình ổn giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT vừa kiến nghị Chính phủ về việc đưa một số nhóm nguyên liệu TACN đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu của thế giới vào nhóm cần có chính sách bình ổn giá.
Đó là mặt hàng khô dầu đỗ tương. Hiện mỗi năm, Việt Nam phải nhập gần như 100%, trung bình khoảng 2-2,5 triệu tấn triệu tấn, với giá năm 2008 tương đương khoảng 1 tỷ USD.
Chủ tịch Hiệp hội TACN, cho biết, hiện Việt Nam đang nhập tới 49-52% tổng giá trị nguyên liệu TACN. Ngoài khô dầu đỗ tương, các DN trong nước cũng phải nhập khẩu ngô 500.000-1 triệu tấn/năm, cám gạo 2,5-3 triệu tấn/năm, các loại thức ăn bổ sung như lyzin, DCP... (tuy chiếm 1% nhưng Việt Nam cũng không sản xuất được).
Tổng cộng, có 22 loại nguyên liệu mới trở thành TACN thành phẩm, trong đó trên 10 loại phải nhập khẩu. Năm 2008, Việt Nam đã phải nhập khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu TACN.
Song song với kiến nghị Nhà nước quản lý giá một số nhóm nguyên liệu TACN, Bộ cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được; đồng thời, hỗ trợ DN mua nguyên liệu trong những lúc thế giới rẻ và nguyên liệu trong nước thời điểm sau thu hoạch.
Về lâu dài, cần có chính sách tăng cường sản xuất nguyên liệu trong nước, năng suất sản lượng ngô, đậu tương. Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam cần tăng cường liên kết, liên doanh để nhập được nguồn nguyên liệu số lượng lớn, giá rẻ, tránh tình trạng có DN nhỏ vừa qua đã ký hợp đồng nhập khô dầu đỗ tương chỉ 320 USD/tấn, song khi giá lên 400 USD/tấn, đối tác nước ngoài "bỏ chạy".
Phía Việt Nam không biết kiện ai vì năng lực tài chính, năng lực luật pháp yếu, nhất là khi mua ít hàng. Trong khi đó, với các tập đoàn như Cargill, CP Group... , đối tác không bao giờ dám "bùng".