Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa phát hiện trường hợp nhiễm H1N1
06 | 05 | 2009
Ngày 5.5, bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1, tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, không nên chủ quan với các loại cúm thông thường.

 

• Tại TP.HCM: 10 hành khách bị phát hiện có thân nhiệt cao đã xuất viện

Tại Việt Nam, virút cúm theo mùa lưu hành chủ yếu loại A/H1, A/H3 và B. Cũng theo PGS-TS Hiển, Việt Nam khá chủ quan, bỏ qua các loại cúm thông thường này, trong khi thế giới lại rất quan tâm. Người nhiễm virút cúm thông thường có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố chuẩn bị khoảng 400 giường bệnh sẵn sàng nếu có bệnh nhân cúm A/H1N1. Từ ngày 25.4 đến 5.5, hệ thống giám sát dịch tại sân bay đã ghi nhận 38.148 lượt khách quốc tế đến Việt Nam qua sân bay Nội Bài, trong đó có 20 người đến từ Mexico, 1.814 người đến từ Mỹ, 248 người từ Canada... Trung tâm đã bố trí cán bộ y tế túc trực 24/24 giờ, nhằm giám sát chặt chẽ tất cả khách quốc tế qua sân bay. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lượng khách quốc tế nhập cảnh qua sân bay quá lớn, trong khi tại sân bay chỉ có một máy đo thân nhiệt hoạt động, một máy còn lại bị trục trặc không thể sử dụng.

Ngày 5.5, sở Y tế TP.HCM báo cáo nhanh về tình hình phòng chống dịch cúm A/H1N1. Theo đó, từ ngày 26.4 đến ngày 4.5 tổng số hành khách nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất là 59.278 người, trong đó có 4.442 người đến từ vùng có dịch. 10 hành khách bị phát hiện có thân nhiệt cao, không có trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 và tất cả 10 hành khách đã được xuất viện.

Ngày 6.5: “tập dượt” sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1

Các chuyên gia của viện Công nghệ sinh học sẽ vào Nha Trang ngày 6.5 để cùng viện Vắcxin Nha Trang phối hợp chuẩn bị “tập dượt” cho việc sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1, PGS-TS Đinh Duy Kháng, trưởng phòng vi sinh phân tử, viện Công nghệ sinh học, viện Khoa học công nghệ Việt Nam đã trao đổi với SGTT như vậy. “Sau khi bàn bạc xong, chúng tôi sẽ liên lạc với WHO (tổ chức Y tế thế giới). Khi nào có chủng, họ sẽ gửi cho chúng ta”, TS Kháng nói.

WHO cho biết hai đến bốn tuần nữa sẽ có chủng để sản xuất vắcxin, sau đó trong vòng 2 – 3 tháng, vắcxin sẽ có mặt trên thị trường. Chỉ cần WHO cung cấp chủng H1N1 mới, các đơn vị được cấp phép có thể sản xuất và đưa vào sử dụng ngay.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường