- Hiệp hội Lương thực VN (VFA) chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng được giao quá nhiều quyền hạn, đứng ra phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cho từng tỉnh, từng doanh nghiệp (DN) là điều không hợp lý. Mặc dù có tổ điều hành nhưng thực chất quyền hành tập trung ở VFA. Đặc biệt, VFA không hề nắm tình hình sản xuất, sản lượng lúa từng địa phương là bao nhiêu, ngay cả Bộ NN-PTNT cũng thông qua kênh các tỉnh.
Việc phân bổ chỉ tiêu cũng không khách quan, phần lớn tập trung cho hai tổng công ty, trong khi hai đơn vị này không có nông dân, không có vùng sản xuất. Có địa phương sản lượng lúa không bao nhiêu nhưng được giao số lượng lớn, có tỉnh sản lượng lúa lớn lại chỉ được phân bổ rất hạn chế. Điều này làm người ta nghĩ có vấn đề tiêu cực.
* Nhiều ý kiến cho rằng quy chế điều hành và phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo như vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho cả nông dân và DN, GS nghĩ như thế nào về điều này?
- Việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu đều do VFA làm, hai tổng công ty lương thực thường được phân bổ số lượng rất lớn. Tuy ở ngay tại vùng nguyên liệu dành cho xuất khẩu, nhưng DN kinh doanh lương thực của các tỉnh ĐBSCL được phân bổ chỉ tiêu khá khiêm tốn nên khả năng thu mua lúa gạo của DN bị hạn chế, không đảm bảo việc tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Khi lúa rớt giá và khó bán, các tỉnh kêu gọi, hỗ trợ vốn để họ mua dự trữ mà có ai làm đâu.
Không có đầu ra thì sao dám mua, rốt cuộc các tổng công ty của VFA sau khi được phân bổ chỉ tiêu họ tiến hành thu mua. Do đó tiến độ tiêu thụ, đặc biệt là giá lúa gạo tại ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào mức giá, vào thời điểm quyết định triển khai thu mua của các đơn vị này. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá cả, đầu ra lúa gạo thường không ổn định; giá bán lúc trồi lúc sụt, nhiều lúc thấp khiến lợi nhuận của nông dân chẳng được là bao.
* Còn đối với các DN?
- DN được phân bổ chỉ tiêu thấp, cùng với lệnh dừng xuất khẩu có thể ban hành đột xuất bất cứ lúc nào đã làm DN không thể chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu. Họ thụ động trông chờ ban phát chỉ tiêu từ VFA. Và cũng do không nắm nhu cầu khách hàng cần loại gạo gì nên DN không thể tổ chức liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Sau khi có chỉ tiêu họ để tới gần thời điểm giao hàng mới thu mua. Gạo từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau nên chất lượng cũng chưa đồng nhất, ổn định. Do vậy, tuy là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng thực tế gạo chúng ta hiện vẫn chưa có thương hiệu.
* Như vậy, theo GS, quy chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay phải được thay đổi theo hướng nào?
- Theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi ngay quy chế bất cập trên. VFA nên trở lại đúng vị trí, chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, làm đầu mối tìm kiếm, cung cấp thông tin về thị trường, cầu nối cho DN. Bộ Công thương đảm nhận vai trò điều hành và phối hợp với Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các tỉnh trong việc phân bổ chỉ tiêu. Chỉ tiêu này căn cứ vào số liệu dự báo về sản lượng lúa. Các tỉnh nắm rất chắc sản lượng lúa của tỉnh mình, họ có quyền đề xuất số lượng gạo xuất khẩu của tỉnh mình.
Đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung số lượng lớn thì có thể phân bổ cho từng tỉnh. Còn lại nên để cho DN chủ động tìm khách hàng và thực hiện hợp đồng. Bộ Công thương và các tỉnh nên tạo điều kiện cho DN chủ động xuất khẩu.
* Trong cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo sẽ chấm dứt giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo?
- Tôi tán thành quan điểm nên bãi bỏ việc phân bổ chỉ tiêu. Chúng ta nên làm theo cách mà Thái Lan từng làm lâu nay. Bộ Thương mại Thái Lan làm công tác dự báo rất tốt. Họ cho công bố rộng rãi lượng gạo xuất khẩu trong năm, rồi thu mua lúa dự trữ sẵn với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi. Lượng gạo này được kiểm tra đánh giá chất lượng từng loại, đảm bảo tính đồng nhất, sau đó bán cho DN nào có nhu cầu xuất khẩu. DN nào cần số lượng bao nhiêu, chủng loại nào cứ việc liên hệ với bộ phận phân phối của bộ này. Làm như thế vừa đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, vừa điều hòa được đầu ra, giá cả ổn định, nông dân luôn có lãi và DN cũng chủ động tích cực mở thêm thị trường, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Ngoài hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, họ còn tạo điều kiện cho DN đầu tư kho trữ, cơ sở lau bóng, đóng bao bì ngay chính tại thị trường xuất khẩu để cung cấp cho thị trường đó. Vì thế gạo Thái Lan có thương hiệu, giá bán cao nhờ chất lượng ổn định.
Ông Nguyễn Văn Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp:
Phân bổ chỉ tiêu nên dựa trên sản lượng
Đồng Tháp mỗi năm có sản lượng lúa 2,7 triệu tấn, nhưng chỉ có hai doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu (trên 300.000 tấn gạo) nên chưa thể đảm bảo việc tiêu thụ lúa cho nông dân. Tôi tán thành ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là phải thay đổi quy chế xuất khẩu gạo; giao cho Bộ Công thương thành lập tổ điều hành xuất khẩu gạo, trong đó có sự tham gia của Bộ NN-PTNT, đại diện các tỉnh, thành để khâu điều hành, phân bổ chỉ tiêu sát thực tiễn.
Theo tôi, về phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cần dựa trên cơ sở về sản lượng, tình hình sản xuất và mức đề xuất của từng tỉnh. Tỉnh nào có sản lượng lúa cao thì được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cao hơn chứ không thể tập trung cho những doanh nghiệp lớn.