Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra năm 2009: Chỉ có thể đạt 1,2 tỷ USD?
14 | 07 | 2009
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay chỉ có thể đạt 1,2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2009 sẽ phấn đấu duy trì sản lượng xuất khẩu khoảng 650.000 tấn phi lê cá tra đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng 10-15%, đạt mức 1,6 - 1,8 tỷ USD.

Còn theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay chỉ có thể đạt 1,2 tỷ USD.

Ước tính của FAO cho thấy, giá thủy sản đã giảm mạnh từ tháng 9/2008. Trong tháng 2/2009, đã giảm 3,4% so với một năm trước và giảm 10,2% kể từ mức đỉnh vào tháng 9.

Dù nguồn cung được dự đoán sẽ giảm, nhưng sự điều chỉnh này có thể mất nhiều thời gian, vì thủy sản tiếp tục suy yếu trong 6 tháng còn lại trong năm.

Tuy vậy, theo các chuyên gia ngành thủy sản, từ tháng 8/2009 xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc trở lại khi nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đang có dấu hiệu tăng mạnh.

Diện tích, sản lượng, xuất khẩu đều giảm

Trong 6 tháng đầu năm diện tích nuôi cá tra ở đồng bằng Sông Cửu Long là 5.001 ha, đạt 73% diện tích so với kế hoạch năm 2009, diện tích thu hoạch 1.133 ha, bằng 22,6% diện tích thả nuôi. Sản lượng thu hoạch là 312.000 tấn.

Cá đến kỳ thu hoạch 120.000 tấn (trọng lượng từ 0,8-1kg), trong đó tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp 53.944 tấn; Cần Thơ 32.955 tấn; An Giang 14.362 tấn. Lượng cá tồn đọng tại An Giang loại trên 1kg tới thời điểm tháng 6 là 10.000 tấn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5/2009, tổng sản lượng cá tra xuất khẩu đạt khoảng 200.000 tấn, (bao gồm các sản phẩm chế biến từ năm 2008) kim ngạch xuất khẩu đạt 478 triệu USD. Giá trị xuất khẩu giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Đến tháng 6/2009, ước tính lượng cá tra đến kỳ thu hoạch  khoảng 120.000 tấn và lượng tiêu thụ còn chậm. Dự kiến mỗi tuần tiêu thụ khoảng 10.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008, với tốc độ tiêu thụ hiện nay thì lượng cá tra quá lứa sẽ ngày càng tăng.

Cá tra loại 1 giá 14.000-14.500 đ/kg, giảm mạnh so với 17.000 đ/kg hồi đầu năm, trong khi đó giá thức ăn tăng 300-500 đ/kg, khiến phần lớn người nuôi cá chỉ hòa hoặc lỗ vốn.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá cá tra nguyên liệu giảm dần đến giữa năm do thị trường xuất khẩu giảm, giá cá xuất sang các nước Đông Âu chỉ đạt 2,5 USD, trong khi cùng kỳ năm 2008 có giá là 3 USD/kg.

Nguyên nhân khiến giá cá tra sụt giảm mạnh là do khủng hoảng kinh tế, các nước hạn chế nhập khẩu, lượng cá tra của năm 2008 còn tồn trong kho của các cơ sở chế biến khoảng 50.000 tấn.

6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc?

Với diện tích "treo ao" không nuôi so với kế hoạch là 27% và nhiều hộ đã chủ động giảm mật độ thả nuôi đến 50% so với năm 2008, sản lượng cá tra ở đồng bằng Sông Cửu Long sẽ sụt giảm khoảng 200.000 tấn so với kế hoạch.

Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, Ban điều hành chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùngđồng bằng Sông Cửu Long đã điều chỉnh một số chỉ tiêu: diện tích nuôi cá tra năm 2009 là 5.300 ha (giảm 400 ha so với kế hoạch) sản lượng cá tra đạt khoảng 1 triệu tấn, và giá trị xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 253 triệu USD so với năm 2008.

Theo dự báo của VASEP, tình hình xuất khẩu cá tra 6 tháng cuối năm có triển vọng tốt hơn, nguyên nhân là do xu hướng lên giá của đồng Euro so với đồng đô la Mỹ. Trong khi EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu cá tra.

Ngoài ra, thị trường Nga có tiềm năng tiêu thụ lớn đã mở cửa trở lại vào tháng 5/2009, tạo điều kiện thuận lợi tăng trưởng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Sau nhiều lần đàm phán phía Nga đã đồng ý nhập khẩu cá tra trở lại. Ngày 16/3/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã ra quyết định số 689 thành lập Ban điều hành và xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga. Vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu 16.000 tấn cá vào thị trường này.

Để khắc phục những khó khăn hiện nay, ngành thủy sản đã và đang hiện những giải pháp: duy trì mở rộng thị trường tiêu thụ; duy trì ổn định thị trường truyền thống: Nga, EU và theo dõi sát những diễn biến của thị trường Mỹ; Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiên quyết loại bỏ những lô hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, làm giảm giá xuất khẩu.

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì hoạt động Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga; rà soát điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho phù hợp, phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cho 10 doanh nghiệp chế biến được phép xuất khẩu vào thị trường Nga, trên cơ sở đảm bảo công bằng cho các địa phương, ưu tiên cho các doanh nghiệp còn tồn đọng nhiều sản phẩm và tiếp tục mua mới của dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chỉ đạo xây dựng và triển khai các mô hình liên kết trong sản xuất, đặc biệt là liên kết giữa người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu, để đảm bảo quyền lợi giữa các bên tham gia liên kết, đồng thời hạn chế việc quy hoạch nuôi thủy sản bị phá vỡ.

Thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu vào, và nhanh chóng thành lập hệ thống cập nhật thông tin trong và ngoài nước để  người nuôi nắm bắt được thị trường, xây dựng kế hoạch cho phù hợp.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường