Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - tín dụng trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài. Đây là bảo lãnh có cấp độ pháp lý cao nhất của Việt Nam được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh, do Bộ Tài chính cấp.
Các đơn vị kinh tế được cấp bảo lãnh sẽ tiến hành trực tiếp ký thỏa thuận vạy với người cho vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ để thực hiện chương trình, dự án đầu tư hoặc tín dụng và phải có đủ những điều kiện để thực hiện theo quy định. Các khoản vay được cấp bảo lãnh phải ở mức tối thiểu 10 triệu USD và thời hạn tối thiểu là 10 năm.
Theo nội dung Quyết định và quy chế này, mức bảo lãnh sẽ không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình dự án bao gồm cả phí bảo hiểm và lãi vay trong thời gian xây dựng.
Việc xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ được thực hiện trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp bảo lãnh nhận được hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh đầy đủ và hợp lệ từ người vay.
Riêng đối với doanh nghiệp là tổ chức tín dụng có các chương trình, dự án vay nước ngoài, các doanh nghiệp phải lập phương án tài chính để Ngân hàng nhà nước thẩm định. Sau khi nhận được đề nghị của Ngân hàng nhà nước, trong vòng 10 ngày làm việc cơ quan cấp bảo lãnh có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay.
Mức phí bảo lãnh tối đa không vượt quá 1,5%/năm trên số dư nợ còn đang được bảo lãnh của doanh nghiệp. Trường hợp chậm nộp phí bảo lãnh thì người được bảo lãnh phải chịu lãi trên số tiền phí bảo lãnh chậm nộp.
Khi đến hạn trả nợ, trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì cơ quan cấp bảo lãnh phải thực hiện thanh toán theo đúng cam kết trong thư bảo lãnh. Người được bảo lãnh có trách nhiệm phải hoàn trả cho cơ quan cấp bảo lãnh toàn bộ khoản tiền mà cơ quan cấp bảo lãnh đã trả nợ thay cộng toàn bộ chi phí phát sinh thực tế liên quan đến việc trả nợ thay.
Quy chế 272 cũng nêu rõ, những tài sản hình thành từ vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sẽ được dùng làm tài sản thế chấp nhằm bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ của người vay với cơ quan cấp bảo lãnh theo tỷ trọng vốn trên tài sản đó. Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sẽ không được sử dụng những tài sản này vào các nghĩa vụ dân sự khác. Bên cạnh đó, tài sản thế chấp không được bán, trao đổi trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ quan cấp bảo lãnh.