Tuân thủ trên những thông lệ của WTO về không hỗ trợ trực tiếp về tài chính cho các DNNVV, Hội nghị Bộ trưởng APEC về DNNVV đã đưa ra 9 kiến nghị cụ thể về các chương trình mà Chính phủ cần thực hiện để hỗ trợ DNNVV bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hơn trong việc tiếp cận được các chính sách tổng thể, các chương trình hỗ trợ DNNVV; Phối hợp tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kỹ năng; Tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, các tổ chức của doanh nghiệp để khẳng định vị trí của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu; Cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, hiệp hội DNNVV; Đẩy mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa khu vực DNNVV và chính quyền các cấp; Duy trì và tạo ra các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của các chương trình hỗ trợ DNNVV như vườn ươm DNNVV, Khích lệ sự sáng tạo của các DNNVV; Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình tự do hoá, đổi mới nền kinh tế và công nghệ.
Trong tương lai không xa, việc Việt Nam gia nhập WTO mang lại áp lực nặng nề hơn nữa đối với DNNVV, khi mà hiện tại họ đang đối mặt với hầu như tất cả những khó khăn mà DNNVV khu vực đang gặp phải: trình độ phát triển thấp, sức ép lớn của thị trường tài chính tiền tệ, giá cả nguyên vật liệu biến động, vốn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực… Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc tạo mọi thuận lợi cho các DNNVV phát triển là chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam, “Chúng tôi kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC thắt chặt hơn nữa sự hợp tác trong phát triển các DNNVV để làm cho cộng đồng của chúng ta năng động hơn, hiệu quả hơn, đạt sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững hơn”.